Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV tại TP. Pleiku. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 55 đồng chí ủy viên; bầu 17 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành đã bầu 14 đồng chí (khuyết 1) vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ XV; bầu 11 đồng chí vào Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy. Đồng chí Dương Văn Trang, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ XIV được bầu giữ chức danh Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ XV.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV đã dành nhiều thời gian thảo luận và đề ra các giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực kinh tế - văn hoá xã hội và an ninh quốc phòng; nỗ lực hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững ở khu vực bắc Tây Nguyên.
Một số chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã được Đại hội xác định phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo phát huy có hiệu quả về tiềm năng và thế mạnh ở từng địa phương trong tỉnh. Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm tới đạt 7,5%/năm; thu ngân sách tăng bình quân hàng năm từ 9 - 10%; kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng 7,44%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 54,4 triệu đồng/năm và có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về xã hội và môi trường, diện tích trồng rừng mới hàng năm đạt 800ha và nâng cao độ che phủ rừng lên 46,6%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,8%/năm và đến năm 2020 giảm xuống còn 2,% (theo chuẩn nghèo 2011 - 2015); phấn đấu 100% dân số đô thị sử dụng nước sạch, 95% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia...
Để đạt được kết quả các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo việc thực hiện một số giải pháp quan trọng mang tính chất quyết định cho việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đó là: Tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng về chất lượng sản phẩm; phát triển nông nghiệp gắn liền với việc xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hoá trong sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp năng lượng (thủy điện).
Bên cạnh đó tăng cường huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, có hệ thống và đảm bảo hiệu quả tổng hợp, nhất là mạng lưới giao thông, điện, thuỷ lợi, viễn thông, công nghệ thông tin. Tỉnh phát triển các thành phần kinh tế, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá trên cơ sở tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại; tạo điều kiện liên kết giữa các vùng trong tỉnh để phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng.
Triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách, chương trình, dự án đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cơ sở phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Đồng thời tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và nhất là xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Kiện toàn tổ chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, quản lý, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số...