Tham dự hội nghị có đại diện của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cùng các ngành liên quan.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 13 triệu người dân sống ở khu vực nông thôn. Trong những năm qua, với sự đầu tư của nhà nước từ ngân sách Trung ương và địa phương, hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, đến nay đã có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 55% nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia; trong đó khoảng 8 triệu người (chiếm 61%) được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung; 5 triệu người (39%) sử dụng nước quy mô hộ gia đình (giếng đào, giếng khoan, dụng cụ trữ nước..).
Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết rất bất thường, cực đoan của khí hậu, nguồn nước, xâm nhập mặn trên diện rộng vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt nông thôn; đa số các công trình cấp nước tập trung bị sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngừng hoạt động, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.
Mức độ ảnh hưởng nặng nhất hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 làm cho khoảng 96.000 hộ, tương đương 430.000 người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu tại 7 tỉnh gồm: Bến Tre 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trước tình hình diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay và chuẩn bị cho những năm tiếp theo cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiện trạng tình hình cấp nước nông thôn, đi kèm với những khó khăn, tồn tại và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới một cách căn cơ, bền vững và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt”.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị đại diện lãnh đạo các tỉnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cùng các ngành liên quan, bằng các kinh nghiệm thực tiễn của mình, đề xuất và chia sẻ các giải pháp cấp nước sinh hoạt nông thôn theo hướng bền vững và phù hợp với địa phương mình và vùng.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã được đưa ra về hiện trạng và giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt của hạn mặn năm nay là do lượng nước mưa ít, nước từ dòng Mekong đổ về yếu, nguồn nước ngọt không đủ cung cho cả sinh hoạt và sản xuất. Chưa kể, sự thiếu vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước; một phần chủ quan của chính quyền nhiều địa phương và người dân trong vấn đề trữ nước nước sinh hoạt ứng phó hạn hán, mặn xâm nhập.
Ông Lương Minh Quyết cho rằng, để đạt được 100% hộ dân nông thôn có nước sinh hoạt theo quy chuẩn thì cần nguồn vốn rất là lớn, trên 1.000 tỷ đồng đầu tư, xây dựng các hệ thống, công trình phục vụ và cung cấp nước. Vì thế, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Trung ương cần hỗ trợ 60% vốn, tỉnh đối ứng 40% vốn để đầu tư xây dựng các công trình chứa nước, ứng phó với hạn mặn.
Bên cạnh đó, ông Lương Minh Quyết cũng đề nghị UNICEF, Ngân hàng Thế giới tích cực hỗ trợ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng nhiều hình thức cả về vốn vay và trang thiết bị vật tư. Tổng cục Thủy lợi và các đơn vị trực thuộc Bộ tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm thực hiện việc cổ phần hóa tất cả các trung tâm nước trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Còn ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, đối với Cà Mau tình trạng thiếu nước sinh hoạt là việc xảy ra hàng năm vào các mùa khô. Còn mặn xâm nhập thì năm nào cũng sâu vào đất liền từ 80 - 90 km; thậm chí vùng ngọt hóa của tỉnh nhiều nơi cũng bị nhiễm mặn. Do đó, nước dùng cho sinh hoạt lẫn sản xuất của Cà Mau rất là khó khăn. Bên cạnh đó, dân cư sống thưa thớt nên việc đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt là hết sức hạn chế.
Hiện, tỉnh Cà Mau chỉ có khoảng 18% hộ dân là sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung, tỷ lệ thấp nhất trong vùng. Còn lại là người dân sử dụng nước từ giếng khoan và nước mưa. Điều này cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước ngầm tại địa phương.
Ông Tô Quốc Nam cho rằng, muốn có nước ngọt sử dụng, hạn chế việc sử dụng nguồn nước ngầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu tạo điều kiện dẫn nguồn nước từ sông Hậu về Cà Mau. Trước mắt là nếu chưa sử dụng trong phục vụ sản xuất thì trữ lại, dùng cho sinh hoạt được khoảng 5 - 6 tháng mùa khô. Về lâu dài, khi nguồn nước ngọt được mở rộng có thể phục vụ cho khoảng 270 nghìn ha sản xuất vùng phía Bắc tỉnh Cà Mau trong giai đoạn 2021-2025.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh về giải pháp xây hồ chứa, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt,… kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; ổn định hoạt động của các trung tâm nước sạch trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu giai đoạn và thực hiện vai trò an sinh xã hội, ứng phó thiên tai trong hoạt động cung cấp nước nông thôn…