Kinh phí trên tập trung cho việc đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường ống cấp nước đưa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt từ Nhà máy nước Đồng Tâm (thành phố Mỹ Tho) về các địa bàn đang thiếu hoặc chưa có, cần nâng cấp khẩn cấp đường ống để đảm bảo phục vụ tốt nhân dân… Trong đó, chú trọng phát triển thêm các tuyến đường ống mới đưa nước ngọt đến các cụm dân cư trên địa bàn các huyện phía Đông lâu nay chưa có đường ống dẫn nước, chưa được hưởng lợi từ hệ thống cấp nước tập trung.
Đặc biệt, đối với huyện cù lao Tân Phú Đông mỗi năm phải chịu đến 6 tháng nước nhiễm mặn, Tiền Giang quan tâm nâng cấp, cải tạo hệ thống tuyến ống cấp nước hiện hữu để tiếp nhận, phân phối nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm đến các trạm trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh đầu tư lắp đặt thêm 56 tuyến đường ống có chiều dài trên 52.000 m đến các khu dân cư hiện còn thiếu đường ống cấp nước, chú trọng khu vực các ấp Pháo Đài, ấp Cồn Cống thuộc xã Phú Tân nằm cuối nguồn và tiếp giáp biển Đông đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu trước mắt đối với những hộ dân quá khó khăn, ngay từ đầu mùa khô 2020, Tiền Giang đã cho mở hàng trăm vòi cấp nước miễn phí phục vụ nhân dân đang sinh sống ven đê, ven biển, xa nguồn cấp nước tập trung trực tiếp đối mặt và chịu ảnh hưởng hạn mặn nặng nề. Tỉnh còn tổ chức đặt các bồn chứa nước tại những địa bàn trọng điểm để bà con đến lấy nước dùng trong những ngày tháng khó khăn hiện nay.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cũng đã cho đắp đập trên kênh Nguyễn Tấn Thành cùng 9 đập phụ khác để ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo nguồn cấp nước ổn định phục vụ cho Nhà máy nước Đồng Tâm (thành phố Mỹ Tho) xử lý, cấp nước phục vụ 800.000 dân thành phố Mỹ Tho và các huyện, thị duyên hải Gò Công.
Chính nhờ những giải pháp quyết liệt trên, tình hình cấp nước sinh hoạt trong mùa khô 2020 tại các huyện, thị duyên hải phía Đông đang được cải thiện, giảm nhẹ thiệt hại do hạn mặn gây ra, ổn định cuộc sống nhân dân.