Xuất phát điểm về nhân lực thấp
Thủ tướng Chính phủ đánh giá Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 mang nhiều kỳ vọng, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận: Để trở thành hiện thực, chúng ta đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa; đã cố gắng, nỗ lực rồi, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa; hành động quyết liệt, trọng tâm hơn nữa để thực sự có sản phẩm, kết quả, mang lại hạnh phúc, ấm no nhiều hơn cho nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Một trong những nguyên nhân chính cản trở tiến trình "hóa rồng" của miền Tây Nam Bộ là "điểm nghẽn" về nhân lực mà trong thời gian tới các cấp, các ngành phải tập trung tháo gỡ.
Xuất phát điểm về dân trí, nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn thấp hơn các vùng khác trên cả nước, tính theo cột mốc từ năm 2016.
Hội thảo "Phát triển nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long từ thực tiễn đến chính sách" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức vào ngày 5/10/2016 đã chỉ ra sự cách biệt rất xa về chất lượng nhân lực giữa các vùng trong cả nước, theo đó miền Tây Nam Bộ là "vùng trũng về giáo dục và đào tạo".
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, tại Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ đi học chung ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông thấp nhất cả nước (88,2%; 58,0%). Trong khi đó, ở Đồng bằng sông Hồng mức độ này cao nhất nước, tương ứng 99,0% và 87,8%.
Dựa vào số liệu của Tổng cục Thống kê, các đại biểu tham dự hội thảo "Phát triển nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long từ thực tiễn đến chính sách" chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa mức sống và chất lượng giáo dục - đào tạo. Tại Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, nơi có mức độ phát triển kinh tế - xã hội khá nhất nước, số người tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên chiếm tới 36,2% và 33,0% dân số. Trong khi đó, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi người dân có đời sống khó khăn hơn và truyền thống hiếu học chưa mạnh, số người tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên rất thấp: 13,7%.
Việc so sánh tỷ lệ dân số ở bậc học vấn thấp nhất (chưa tốt nghiệp tiểu học) và cao nhất (tốt nghiệp trung học trở lên) giữa Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước năm 2016 cho thấy có sự chênh lệch quá xa. Số người chưa tốt nghiệp tiểu học ở Đồng bằng sông Cửu Long là 29,9% so với 20,2%; số người tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên tương ứng là 13,7% so với 26,4%.
Theo xu hướng phát triển, nguồn nhân lực đã qua đào tạo tay nghề có chứng chỉ ở Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuy nhiên, mức độ cải thiện là rất khác nhau giữa các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Xếp từ thấp đến cao vào năm 2016 lần lượt là Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 9,5%); Tây Nguyên (11,9%); Trung du, miền núi phía Bắc (14,7%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (15,6%); Đồng bằng sông Hồng (21,4%); Đông Nam Bộ (22,5%). Mức chênh lệch giữa Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước là 1,77 lần (9,5% so với 16,9%).
Còn đến hết năm 2020, tỉ lệ lao động ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã qua đào tạo có chứng chỉ là khoảng hơn 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình chung cả nước là 24,5% (số lao động được đào tạo kể cả chưa có chứng chỉ trong cả nước là 64,5%).
Đi tìm giải pháp
Trong khi nguồn nhân lực tại chỗ vừa thiếu vừa yếu thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn phải đối mặt với hiện tượng chảy máu chất xám trầm trọng.
Phó Giáo sư Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết: Nhiều sinh viên ở miền Tây sau khi học xong không muốn trở về quê với suy nghĩ rằng ở lại TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội, thu nhập tốt hơn. Vấn đề này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có chiến lược đào tạo cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long để vừa thu hút nhân lực trình độ cao trở về quê hương, vừa tăng cường đào tạo đối với những nhân lực trẻ đang ở tại địa phương trong quá trình khởi nghiệp, giúp họ thuận lợi trong phát triển kinh tế ngay tại quê hương.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet, đề xuất việc kết nối nhân tài giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, xác định những ngành đào tạo trọng yếu, thực hiện cùng lúc ba chiến lược, gồm: tuyển dụng - thu hút nhân tài. Vừa phát triển nguồn lực tại vùng, vừa "mượn" chất xám từ các chuyên gia trong nước, quốc tế về làm việc tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), cho biết: Trường đang triển khai chương trình đào tạo "Tài năng Mekong - đi để trở về" với mong muốn qua môi trường học tập, trải nghiệm ở ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế, nguồn nhân lực này sẽ có những đóng góp cho sự phát triển của vùng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Trần Thái Nghiêm kiến nghị: Sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gắn với ba "biến" là biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến đổi của xu thế tiêu dùng. Do đó, chiến lược và nội dung đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp cho vùng rất cần chú trọng vào việc trang bị các kiến thức, kỹ năng phù hợp với các yếu tố biến đổi này, từ đó đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng ở phía Nam đất nước.
Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), giải pháp cơ chế đặc thù để phát triển nguồn nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua cải thiện các tác nhân đầu vào. Việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực nên được nhìn nhận thông qua giải quyết hai điểm yếu chính: giảm tỷ lệ bỏ học và nâng cao vai trò nguồn nhân lực có trình độ.
Cụ thể, cần thiết kế chính sách tạo động cơ đi học. Các địa phương nên có cơ chế khuyến khích và chế tài tác động trực tiếp đến hành vi của người dân, triệt tiêu tư duy ngắn hạn và việc theo đuổi lợi ích trước mắt khiến họ lựa chọn giải pháp bỏ học sớm ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Cần tạo lập cơ hội việc làm để nâng cao vai trò của nguồn nhân lực có trình độ cao, tạo động cơ cho lực lượng lao động theo đuổi việc học tập, phát triển bản thân, kích thích hệ thống giáo dục chuyên ngành phát triển. Giáo dục chuyên ngành cần liên kết với các doanh nghiệp, thị trường lao động để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn lực.
Các chính sách giải quyết những tồn tại của hệ thống giáo dục nên tác động trực diện vào vấn đề chính yếu gây giảm chất lượng nguồn nhân lực, điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí và thời gian vừa đảm bảo hành vi của người dân phản ứng hiện quả với các chính sách trong ngắn hạn.
Ngoài ra, cần tạo hệ sinh thái sáng tạo để thu hút và giữ chân nhân tài, xây dựng nền kinh tế tri thức như một cú hích phát triển nguồn nhân lực cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nhóm giải pháp giúp tạo ngoại lực tác động từ bên ngoài. Việc tạo hệ sinh thái sáng tạo đòi hỏi nhiều thời gian và quyết tâm từ phía lãnh đạo các địa phương.
Điểm sáng ở Đồng Tháp
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 được công bố ngày 26/6/2022, về chỉ số đào tạo lao động, Hà Nội đạt cao nhất với 7,64 điểm, còn Đồng Tháp được đánh giá có chất lượng lao động cao nhất cả nước với 80% số lao động đáp ứng được hoàn toàn hoặc một phần nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Một trong những yếu tố quyết định để địa phương có chất lượng điều hành tốt là chính sách đào tạo lao động.
Trong khi chất lượng nhân lực ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế thì việc Đồng Tháp vừa được Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đánh giá là "địa phương có chất lượng lao động cao nhất cả nước" trở thành tín hiệu tốt lành đối với cả khu vực, là yếu tố cần được "nhân lên " trong thời gian tới.
Xác định con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Một số kết quả mà Đồng Tháp đã đạt được sau 5 năm nỗ lực tăng chất lượng nhân lực ở địa phương: số lao động qua đào tạo đạt 70% (tăng gần 12% so với năm 2016), trong đó, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 50% (tăng 8%); tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp (dưới 3 tháng) là hơn 9.300 người, có hơn 7.700 người đã học xong và được cấp chứng chỉ, trong đó số người có việc làm đạt hơn 99%.
Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp được phân bổ đều ở các địa phương trong tỉnh, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được đầu tư đảm bảo. Từ năm 2016 đến nay việc đào tạo lao động đi làm việc nước ngoài hiệu quả rất cao; tỷ lệ học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt khoảng 85%; đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 80%...