Từ ngày 21 đến 23/2, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội do bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện làm trưởng đoàn đã làm việc với các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Bình và thành phố Hải Phòng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Tại các địa phương, Đoàn công tác được chia làm hai tổ tiến hành khảo sát việc chấp hành các quy định về quy trình sản xuất, phân phối, chất lượng sản phẩm, chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nguồn gốc vật tư đầu vào ở hàng chục đơn vị như: Lò giết mổ gia súc; cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; bếp ăn tập thể ở các công ty tư nhân, bệnh viện, trường học; chợ đầu mối…
Song song với hoạt động khảo sát, kiểm tra thực tế, đoàn công tác cũng nghe đại diện lãnh đạo các công ty, cơ quan báo cáo tình hình hoạt động, công tác bảo đảm thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, xem xét các giấy tờ, chứng từ liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm tra thực tế quy trình sản xuất, kinh doanh. Các tổ công tác ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của các đơn vị; đề nghị các đơn vị tiếp tục chấp hành tốt các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất sản phẩm và đảm bảo bữa ăn cho người lao động.
Làm việc với lãnh đạo các địa phương, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện khẳng định, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn các tỉnh dù đã được lãnh đạo địa phương quan tâm, nhưng chưa triệt để.
Công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến tại các cơ sở nhỏ lẻ chưa được kiểm soát thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc triển khai thực hiện cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số cơ sở thực hiện còn chậm, mang tính đối phó.
Bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị, thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động thanh tra đột xuất để nắm rõ tình hình thực tế; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, công khai các cơ sở vi phạm để làm gương và gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; tăng cường nguồn lực cho việc đảm bảo an toàn thực phẩm, đề cao vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân…
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Bình và thành phố Hải phòng, công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm được các địa phương triển khai đồng bộ, vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm hàng đầu tại địa phương và dành nguồn kinh phí nhất định cho công tác này.
Theo đó, trong giai đoạn 2011- 2016, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức kiểm tra .734 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm, đạt 83% tiêu chuẩn, điều kiện an toàn thực phẩm. Tỉnh Thái Bình kiểm tra 63.5 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm, đạt 80,7% tiêu chuẩn, điều kiện an toàn thực phẩm. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hải Phòng đã lấy 1.411 mẫu phân tích, 1.340 mẫu đạt yêu cầu và chỉ 71 mẫu vi phạm (chiếm 5,03%).
Tuy nhiên, theo các địa phương, những khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm là do các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh dịch vụ đa phần có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất theo vụ mùa, lực lượng lao động biến đổi thường xuyên. Một trong những khó khăn lớn trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm là do hầu hết các quận, huyện, xã, phường chưa có cán bộ chuyên trách làm chuyên môn, chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm nên hạn chế về năng lực, chuyên môn, quỹ thời gian cũng như trách nhiệm công việc.
Tại những buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định trong kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là cấp xã, phường và khu vực dân cư. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải tăng cường quản lý ở cấp cơ sở để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật, hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương và địa phương.
Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục vận dụng sáng tạo trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, phù hợp với thực tiễn, văn hóa và tập quán sinh hoạt cộng đồng của từng vùng. Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác kiện toàn tổ chức, nhân lực cho các cơ quan, các cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Các đại biểu cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần làm rõ một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề quy hoạch vùng để sản xuất tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp; quy hoạch khu vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; bố trí nguồn lực nhiều hơn cho khâu phân tích, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là việc sử dụng tràn lan thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh đã bị cấm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng giải quyết triệt để tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm trong tương lai.