Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Đoàn Công tác số 1 sẽ nghe đại diện các cơ quan liên quan báo cáo về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương nơi Đoàn đến giám sát (thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình); nghe báo cáo về một số vụ việc nổi cộm xảy ra trên địa bàn 2 địa phương này từ năm 2015 cho đến nay. Đại diện Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao sẽ báo cáo bổ sung thêm về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em nhằm giúp Đoàn Giám sát nắm rõ hơn vấn đề tại 2 địa phương.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong 4 năm (2015 – 2018) và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em với 7.767 trẻ em bị xâm hại.
Tại Hà Nội, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, có 365 vụ xâm hại trẻ em với 313 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục 199 vụ (chiếm 54,5%) với 220 trẻ em bị xâm hại. Từ năm 2015 đến 2018, tình trạng xâm hại trẻ em có xu hướng tăng. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được thành phố, các quận, huyện, thị xã quan tâm; đầu tư ngân sách cho công tác này trong tổng chi ngân sách của thành phố đều cao và theo hướng năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước nên thành phố thu hút một lượng lớn dân di cư tự do từ các tỉnh, thành khác đến trong đó có trẻ em, nhiều trường hợp không có nơi ở cố định. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc quản lý trẻ em cũng như việc tiến hành các hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, vi phạm quyền trẻ em vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp; công tác quản lý, can thiệp hỗ trợ một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn chưa toàn diện…
Trong khi đó, tại tỉnh Hòa Bình, số liệu trẻ em bị xâm hại từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019 là 123 vụ, trong đó xâm hại tình dục là 110 vụ. Từ năm 2015 đến năm 2016, tình trạng xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019 có xu hướng giảm. Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc hỗ trợ, can thiệp, theo dõi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm. Tuy nhiên, nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế, chủ yếu là nguồn Trung ương, kinh phí đối ứng của địa phương còn hạn hẹp…
Đánh giá về kết quả đạt được trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em của Viện kiểm sát nhân dân tại địa phương, ông Nguyễn Minh Đức, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, các vụ án xâm hại trẻ em được các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương tập trung giải quyết triệt để, không có trường hợp nào phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội hoặc bị Tòa án tuyên không phạm tội.
Ông Nguyễn Minh Đức mong muốn, trong quá trình giám sát tại 2 địa phương, Đoàn Công tác sẽ trao đổi, làm rõ về sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân trong việc phân loại, thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra các vụ án thuộc loại tội xâm hại trẻ em; việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương với Trung tâm trợ giúp pháp lý, Đoàn Luật sư để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị hại là trẻ em…
Hoan nghênh tổ giúp việc và các bộ, ngành đã chủ động yêu cầu địa phương, cơ sở có báo cáo bước đầu, nêu rõ tình hình, diễn biến, giải pháp, kiến nghị trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là thông tin quý, giúp Đoàn Giám sát khi giám sát trực tiếp tại cơ sở, địa phương thuận lợi hơn.
Tại phiên họp, các thành viên Đoàn Công tác số 1 đã thống nhất chương trình, nội dung, phương pháp làm việc, phân công nghiên cứu báo cáo và một số vấn đề liên quan.