Hàng Việt tăng sức cạnh tranh trên sân nhà

Trải qua 16 năm xây dựng và định vị thương hiệu, hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã dần chiếm lĩnh được thị trường, đi vào tâm trí của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo Hội Doanh nghiệp HVNCLC, từ nay đến 2015, sức ép với hàng Việt Nam sẽ lớn hơn khi hàng hóa ASEAN và Trung Quốc vào thị trường Việt Nam có thuế suất bằng 0.

Gian nan tiếp cận thị trường

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: Cách đây 16 năm, mối quan tâm nhất của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam chính là chất lượng sản phẩm. Đến nay, trong xu thế hội nhập người tiêu dùng còn tăng thêm sự đòi hỏi về mẫu mã, thương hiệu. Đặc biệt, sắp tới đây, khi Hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc có hiệu lực, tất cả các hàng hóa ASEAN và Trung Quốc khi xâm nhập vào Việt Nam có thuế suất bằng 0 thì cuộc cạnh tranh thương hiệu Việt với các nước ASEAN ngày càng khốc liệt. Nếu doanh nghiệp (DN) Việt Nam không đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm thì sẽ khó có thể cạnh tranh trên sân nhà.

Hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.


Thực tế cho thấy, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các DN Việt Nam đã rất khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu để tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, thương hiệu của DN Việt mới chỉ khẳng định trong khoảng 20 năm. Trong khi đó, các thương hiệu nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam đã có “tuổi đời” từ 100 – 200 năm và khẳng định vị thế trên toàn thế giới. Chưa kể, các DN Việt Nam còn phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay vẫn còn quá cao khiến giá thành phẩm bị đội lên, đây cũng chính là rào cản lớn cho DN. Theo đó, từ 120 DN đạt danh hiệu HVNCLC năm 1996, đến nay chỉ còn 43 DN là giữ vững danh hiệu trong suốt 16 năm liền.

Ông Lê Văn Trí, Phó Tổng GĐ Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam, (Casumina), thừa nhận: Để đạt danh hiệu HVNCLC liên tục trong 16 năm, thương hiệu Casumia và các DN khác không ngừng cải thiện chất lượng và mẫu mã sản phẩm để trở thành niềm tự hào của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ. Hiện, các DN mong muốn Nhà nước cần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh bằng việc tăng cường kiểm soát biên mậu chặt chẽ, thiết lập hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng, nâng cấp cơ sở hạ tầng như giao thông, lưới điện... Đây chính là những yếu tố quyết định sự cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp trên thị trường trong thời kỳ “toàn cầu hóa”.

Hiệu quả từ các phiên chợ hàng Việt

Để khẳng định vị trí thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng, các DN rất chú trọng xây kênh phân phối. Trong đó, việc tham gia các phiên chợ hàng Việt do Hội DN HVNCLC tổ chức hàng năm được nhiều DN hưởng ứng. Theo tiêu chí của Hội chợ HVNCLC, chỉ có những doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC mới có thể tham gia. Chính vì vậy, hầu như các DN đến với hội chợ này đã đều tự hào vì được người tiêu dùng tin cậy và bầu chọn.

Theo ông Văn Đức Mười, TGĐ Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản, Vissan, khi được người tiêu dùng bình chọn mỗi năm, Vissan đều xem đây là điều kiện quan trọng để có một chiến lược phát triển kinh doanh tiếp theo. Tương tự, nhiều DN đạt danh hiệu HVNCLC đã hoạt động ngày càng tốt hơn nhờ tham gia các phiên chợ hàng Việt. Vì thông qua hội chợ này, các DN không chỉ xây dựng được thương hiệu vững chắc mà còn mở rộng được kênh phân phối, cải thiện chất lượng, mẫu mã nhờ sự đóng góp của người tiêu dùng. Thông qua các phiên chợ hàng Việt, những cái tên Vinamilk, Dược Hậu Giang, Casumina, Điện Quang, Vissan, Đại Đồng Tiến, Duy Tân, Pinaco, Cadivi, Kim Hằng, Mỹ Hảo, May Thắng Lợi, quạt Asia, mì Miliket, sơn Bạch Tuyết… đã ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh cho biết, để xác định đẳng cấp, phẩm chất của hàng Việt Nam, các phiên chợ hàng Việt Nam đã ngày càng chuyên nghiệp hơn và bám sát nhu cầu của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Hội DN HVNCLC vẫn tiếp tục đi theo mục tiêu ban đầu của mình nhằm thúc đẩy, hỗ trợ cho doanh nghiệp định vị thương hiệu, tiếp cận thị trường, nhất là ở những nơi thiếu hàng Việt. Hội sẽ hỗ trợ DN đưa hàng Việt Nam vào các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa, xây dựng bản đồ phân phối hàng hóa. Có như vậy, DN Việt Nam mới có thể tăng sức cạnh tranh ở thị trường nội địa và thâm nhập thị trường ASEAN trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Hải Yên

Đưa hàng Việt về ngoại thành Hà Nội
Đưa hàng Việt về ngoại thành Hà Nội

Năm nay, Hà Nội sẽ tổ chức khoảng 400 chuyến hàng lưu động tại 19 huyện, thị xã, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX); ngoài ra, còn có 24 chuyến bán hàng chính sách xã hội cho đồng bào miền núi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN