Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Các đại biểu đều có chung nhận định, dự án Luật là bước đột phá trong công tác quy hoạch, với mong muốn khắc phục được những yếu kém trong công tác quy hoạch thời gian qua. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa chỉ ra được loại quy hoạch nào cần lập quy hoạch chung, loại quy hoạch nào cần lập quy hoạch chi tiết nên việc lập và thể hiện trong bản vẽ quy hoạch khó thực hiện như ý muốn.
“Quy hoạch chồng quy hoạch”, “quy hoạch chống quy hoạch” Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện trạng quy hoạch Việt Nam là “quy hoạch chồng quy hoạch”, “quy hoạch chống quy hoạch”, một người lập hai quy hoạch nhưng ngược nhau. Nước ta đang trong trạng thái chuyển tư duy quy hoạch từ bao cấp sang thị trường.
Thay đổi tư duy quy hoạch chính là cơ hội để phát triển tốt hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn chi phí. Luật Quy hoạch đưa ra quy tắc để xây dựng kịch bản này tốt nhất và nó phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Luật đưa ra ý tưởng quan trọng là tích hợp các quy hoạch, để khi “chồng” các quy hoạch lên nhau được thống nhất. Tuy nhiên, quy hoạch phải hiệu quả, không phải quy hoạch treo.
Đồng tình với việc tích hợp, loại bỏ nhiều quy hoạch được quy định trong hệ thống pháp luật hiện nay để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khả thi trong việc lập, thực hiện quy hoạch và phát triển của các ngành, song Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đề nghị một số quy hoạch quan trọng cần được cân nhắc, đánh giá kỹ trước khi tích hợp.
Đại biểu ví dụ theo quy định của Luật xây dựng thì quy hoạch xây dựng có 4 nội dung: quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng đặc thù và quy hoạch nông thôn.
Dự thảo Luật dự kiến quy hoạch theo hướng: hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia vẫn được Bộ quản lý chuyên ngành lập và tích hợp vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù cấp quốc gia được lập và tích hợp vào nội dung quy hoạch vùng; các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù cấp tỉnh bao gồm định hướng phát triển quy hoạch đô thị, nông thôn.
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, việc tích hợp từng nội dung của quy hoạch xây dựng như trong dự thảo có điểm không hợp lý. Quy hoạch xây dựng có tính đặc thù cao, là công cụ pháp lý để quản lý, kiểm soát quá trình phát triển, xây dựng đô thị và nông thôn; có tác động lớn, trực tiếp, thường xuyên tới không gian sống của người dân, mang tính liên thông, thống nhất giữa các cấp độ khác nhau như quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch khu chức năng đặc thù.
Các loại quy hoạch đặc thù như quy hoạch xây dựng cần quy định theo hướng có sự kế thừa, bảo đảm không có sự xáo trộn không cần thiết, phải điều chỉnh một số lượng rất lớn các quy hoạch hiện có, dẫn tới lúng túng, mất nhiều nguồn lực, thời gian và có thể tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế- xã hội.
Để tích hợp các quy hoạch chuyên ngành, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá, phân tích kỹ hơn tác động của việc tích hợp từng loại quy hoạch ngành theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bỏ ngỏ quản lý sau lập quy hoạch Đại biểu Quồc hội Thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đứng từ khía cạnh một chuyên gia, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, cho rằng: Dự thảo Luật đã được nghiên cứu, bổ sung khá kỹ lưỡng. Hệ thống quy hoạch là đối tượng chủ yếu của Luật quy hoạch. Nhưng hệ thống quy hoạch có hệ thống cấp quốc gia, cấp vùng… do vậy, Luật cần quy định hệ thống quy hoạch quốc gia để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nhiệm vụ quy hoạch trong dự thảo Luật có phân công và phân cấp, đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn nhưng thiếu phần trách nhiệm. Quy hoạch đưa ra nhiều thứ nhưng không khả thi thì không ai chịu trách nhiệm, hệ thống quy hoạch phải có thứ bậc để chống lại sự hỗn loạn, chồng chéo, chuyên gia Phạm Sỹ Liêm nhận định.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chỉ ra rằng dự thảo Luật chú trọng nhiều đến việc lập quy hoạch, còn quản lý quy hoạch sau khi lập quy hoạch xong hầu như bỏ ngỏ. Đại biểu đặt vấn đề: có quy hoạch thì thực hiện quản lý như thế nào, Luật cần chỉ ra được nội dung quản lý quy hoạch là quản lý cái gì, phân cấp tới đâu, trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành.
Xem xét toàn bộ danh mục 37 loại quy hoạch ngành quốc gia, đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) nhìn nhận “ban soạn thảo cố gắng không làm mất đi bất kỳ quyền lợi của bộ chuyên ngành nào trong tổ chức triển khai thực hiện Luật quy hoạch”.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất xem xét tăng thời gian của kỳ quy hoạch, có thể tăng từ 10 lên 20 năm, làm cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực đầu tư, thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Lo ngại về tư duy nhiệm kỳ trong lập quy hoạch sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, đại biểu nhận định cần xác định rõ ràng trách nhiệm quy hoạch được duyệt bị phá vỡ do điều chỉnh cục bộ.