Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19

Cần tiếp tục có thêm giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đó là quan điểm của một số đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hội trường chiều 1/6 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Cơ bản đồng tình với báo cáo đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, nước ta đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, kinh tế - xã hội có bước phục hồi mạnh mẽ. Hệ thống chính trị đã đưa ra các chủ trương, những quyết sách kịp thời về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách để chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo sinh kế và đời sống của nhân dân để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như công tác quản lý, sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch còn bất cập; giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh tăng cao; một số địa phương xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ nguồn lao động… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Từ tình hình trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, những tháng cuối năm 2022, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp và người dân như đề xuất cấp có thẩm quyền giảm một số loại thuế hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; có chính sách bình ổn giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu để phát triển sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Chính phủ cần sớm phân bổ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án trong danh mục thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội phê duyệt. Đối với các dự án mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy trình rút gọn để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Chú thích ảnh
Đại biểu tỉnh Kiên Giang Châu Quỳnh Dao. Ảnh tư liệu: Dương Giang/TTXVN

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) bày tỏ băn khoăn, lo lắng khi 5/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt được, trong khi những chỉ tiêu này góp phần quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Nhấn mạnh hiện nay người nông dân đang "oằn mình" trong cơn "bão giá", giá thuốc thú y, giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là giá phân bón, đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng, tồn tại này nói lên việc nếu không quan tâm, không khắc phục sớm thì sẽ dẫn một nghịch lý. Đó là, chính những người nông dân là người tự sản xuất lương thực và đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội nhưng sẽ rơi vào đói do nghề.

Chính vì thế, để người nông dân không bị thiệt thòi mà không bị kiệt quệ do sản xuất ngày càng thua lỗ, đại biểu Châu Quỳnh Dao kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, trong đó có quy định là giá phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng “được chịu thuế giá trị gia tăng để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước”.

Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề xuất khẩu phân bón để đáp ứng được nguồn cung trong nước, để không khan hiếm và hạ giá thành nhằm giảm bớt gánh nặng cho người nông dân- đại biểu Châu Quỳnh Dao mong mỏi.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, đại dịch COVID- 19 khiến người dân và cộng đồng doanh nghiệp ở nước ta vô cùng khó khăn. Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ này đã thông qua nhiều cơ chế, chính sách hết sức kịp thời và cần thiết để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đất nước đặt ra. Trong đó, đáng chú ý là việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ có những đánh giá, xem xét kỹ, xác định rõ nguyên nhân, đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn trong việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh yêu cầu các ngân hàng triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 2% lãi suất
TP Hồ Chí Minh yêu cầu các ngân hàng triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 2% lãi suất

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh triển khai trên toàn hệ thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN