Hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW

Tiếp thu ý kiến kết luận tại Phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường bám sát nhiệm vụ hoàn thiện dự thảo Báo cáo Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Chú thích ảnh
Tuyến đê biển tại phường Đông Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) được xây dựng kiên cố nhằm ngăn sóng biển xâm thực. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quá trình tổng kết Nghị quyết được triển khai nghiêm túc, thận trọng, khoa học và khách quan với sự tham gia góp ý từ các Ban đảng, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị xã hội, Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học. Dự thảo Tờ trình Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 - NQ/TW đã đưa ra đánh giá những kết quả đạt được, các mặt tồn tại, hạn chế của quá trình triển khai và nguyên nhân. Từ đó, đưa ra đề xuất nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết, đề xuất chủ trương, chính sách của Đảng trong thời kỳ mới.

Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI, đã đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều kết quả trong các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đạt được. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được nâng lên. Tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm.
 
Theo dự thảo báo cáo, về thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết, giai đoạn 2013 - 2023 có 11 dự án xây dựng, sửa đổi luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua gồm (Luật Phòng, chống thiên tai 2013; Luật Đê diều 2006 sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn 2015; Luật Đất đai (sửa đổi) 2013; Luật Thủy lợi 2017; Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015;, Luật Thủy sản (sửa đổi) 2017; Luật Đo đạc và bản đồ 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều 2020; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2014, 2020). Hiện ba dự án luật đang được sửa đổi gồm (Luật Đất đai 2013; Luật Tài nguyên nước 2010; Luật Khoáng sản 2010). Một số luật có liên quan đã được xây dựng, sửa đổi gồm (Luật Khoa học và Công nghệ 2013; Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự; Luật chuyển giao công nghệ 2017; Luật Quy hoạch 2017...).
 
Chính phủ đã ban hành 88 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 106 Quyết định thể chế hóa Nghị quyết. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết, Việt Nam đã tham gia ký kết 14 điều ước, thỏa thuận quốc tế về tài nguyên và môi trường...

Bên cạnh các kết quả đạt được, đến nay, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra. Quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước. Một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội…

Trước những thách thức và bối cảnh mới, tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục chủ trương phát triển nhanh và bền vững; tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp đó, ngày 21/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW theo Kết luận số 56-KL/TW...

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Việt Nam kêu gọi tuân thủ UNCLOS trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Việt Nam kêu gọi tuân thủ UNCLOS trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 20/9, đoàn Việt Nam do bà Lê Đức Hạnh, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, làm Trưởng đoàn đã tham dự và trình bày trước Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) về quan điểm của Việt Nam trong vụ việc xin ý kiến tư vấn của tòa về nghĩa vụ của các quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN