Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ Hội thảo là dịp để trao đổi, đánh giá thực trạng báo chí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng theo Nghị quyết 35-NQ/TW. Từ đó, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần củng cố và tăng cường niềm tin, giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Ðảng và với nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Mỗi cơ quan báo chí phải là “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Đại dịch COVID -19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của Nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế, xã hội của đất nước… Song đến nay Việt Nam bước đầu đã kiểm soát được đại dịch COVID -19… Kết quả trên có sự đóng góp rất quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền, báo chí. Báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chủ động trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận, nhất là trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID- 19 lần thứ 4.
Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phối hợp với Vụ Báo chí- Xuất bản, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương tổ chức Hội thảo: “Báo chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Đây là một sự kiện quan trọng, góp phần nhìn nhận những việc đã làm được và chưa làm được của báo chí trong thời gian qua và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp của các cơ quan báo chí trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong thời gian tới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá báo chí cách mạng Việt Nam đã thực sự là lực lượng tuyến đầu, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kịp thời đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động, nội dung thông tin bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội; đồng thời, tôn vinh, khen thưởng kịp thời những cá nhân hoàn thành xuất sắc sứ mệnh trên mặt trận tư tưởng.
Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu báo chí cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, kết hợp giữa “xây” và “chống”. Tăng cường các thông tin chính thống, tích cực, chủ động để lấn át các thông tin xấu độc trên không gian mạng, nhất là cần tiếp thu, đổi mới các hình thức tuyên truyền để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí cần nâng cao chất lượng và đa dạng hơn nữa cả nội dung và hình thức chuyên trang, chuyên mục và áp dụng các tiện ích đa phương tiện để chuyển tải hấp dẫn nội dung tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII. Tập trung khẳng định những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thành tựu đổi mới. Đó là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc.
Các cơ quan báo chí chú trọng hơn nữa trong tuyên truyền công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII)… Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Thông tin toàn diện thành tựu đổi mới của đất nước; tạo niềm tin mới, khí thế mới để thực hiện các mục tiêu trong 3 giai đoạn mới của đất nước ta đến năm 2025, đến năm 2030 và đến 2045, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng; 100 thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, trong đó đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả đồng bộ của ngành Tuyên giáo và các cơ quan chức năng, tạo thành thế trận ngày càng hoàn thiện; hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí là lực lượng tiên phong đi đầu trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên cả ba phương diện: nhận diện, tuyên truyền và trực tiếp đấu tranh, xử lý.
Vì vậy mỗi cơ quan báo chí phải là “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, thế hệ trẻ có sức đề kháng, sức miễn dịch tốt trước các thông tin xấu độc, tự giác tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, điều phối, hướng dẫn của Thường trực Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), gắn với việc tổ chức thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí phải chủ động nhận diện, làm rõ các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay, xác định âm mưu, thủ đoạn, hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch. Sáng tạo, nhạy bén trong việc nắm, dự báo sát, đúng tình hình trong nước, khu vực và thế giới có tác động trực tiếp tới Việt Nam; tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Từ đó, chủ động cung cấp thông tin chính thống kịp thời cho báo chí, góp phần định hướng dư luận. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, trang thông tin điện tử và các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên internet, mạng xã hội. Báo chí cần thực hiện tốt phương châm tăng cường tuyên truyền lan tỏa thông tin chính thống, “nhân cái đẹp để dẹp cái xấu”, đẩy lùi tiêu cực, lấn át các thông tin xấu độc. Bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính tên mặt báo. Các cơ quan báo chí cần tuyên truyền, nhân rộng, lan tỏa những mảng sáng, mảng tích cực, các điển hình cá nhân, tập thể, gương người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực, để khơi dậy niềm tin của nhân dân đổi với nền tảng tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.
Bên cạnh đó, cần tạo diễn đàn trao đổi để đảng viên và Nhân dân tham gia trực tiếp vào các công việc của đất nước, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Đặc biệt là dành thời lượng tuyên truyền, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và hệ thống chính trị xã hội; tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
“Mỗi cơ quan báo chí cần xác định đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu của tòa soạn. Từ đó, xây dựng và củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan báo chí; mỗi nhà báo là một chiến sỹ mẫu mực, gương mẫu đi đầu nêu tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục có sơ, tổng kết đánh giá kết quả; tổ chức lực lượng mũi nhọn xung kích, tinh nhuệ, nhóm phóng viên chuyên sâu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”- đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị.
Đồng chí yêu cầu tăng cường công tác quản lý, đào tạo phóng viên có kiến thức sâu sắc về nền tảng tư tưởng của Đảng, có nhận thức đúng đắn trong việc nhận biết, đấu tranh các quan điểm sai trái. Mỗi nhà báo phải đổi mới phương pháp, tư duy, cách viết để nâng cao hiệu quả các tác phẩm báo chí về đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt là trau dồi kiến thức để cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn trong mỗi tác phẩm báo chí là hết sức cần thiết, nhằm đấu tranh, phản bác có sức thuyết phục trước các luận điểm phi khoa học, sai trái.
Phát huy vai trò của các Ban Tuyên giáo, cơ quan báo chí
Gần 50 tham luận được trình bày và gửi tới hội thảo đi sâu phân tích một số vấn đề lý luận về báo chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với các cơ quan báo chí trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của các cơ quan báo chí.
Nhiều tham luận đi sâu phân tích yêu cầu cấp thiết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay. Từ đó khẳng định công tác này là nhiệm vụ khách quan và việc ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW xuất phát từ yêu cầu bảo vệ và bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Một số tham luận đề cập tới kết quả thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ở các Ban Tuyên giáo, các cơ quan báo chí địa phương; cung cấp nhiều kinh nghiệm trong triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như những thuận lợi, khó khăn gắn với đặc thù của từng cơ quan, loại hình báo chí.
Các tham luận đã đề xuất những giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, qua đó phát huy vai trò quan trọng của các Ban Tuyên giáo, các cơ quan báo chí trong việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW; các đề xuất, kiến nghị về việc tăng cường phối hợp trong việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW nhằm phát huy thế mạnh của từng cơ quan, đơn vị, loại hình báo chí.