Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, bình đẳng giới là một quyền con người cơ bản, vừa là mục tiêu quốc gia vừa là yếu tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là thước đo quan trọng để đánh giá sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Hơn 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ liên quan tới bình đẳng giới. Tuy nhiên, Báo cáo về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam; đồng thời, với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch COVID-19, nhiều quy định về bình đẳng giới không còn phù hợp và nhiều vấn đề bình đẳng giới mới phát sinh.
Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp cho đại biểu những thông tin hữu ích về cách tiếp cận bình đẳng giới toàn diện, từ đó có những hành động thiết thực để đạt được bình đẳng giới trên thực tế, xóa bỏ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Đây cũng là dịp để các đại biểu lắng nghe, trao đổi thảo luận các ý kiến xung quanh Luật Bình đẳng giới.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật do Ủy ban Xã hội chủ trì thẩm tra. Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được sửa đổi để khắc phục được những hạn chế, vướng mắc của quy định hiện hành, phù hợp với công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận, bảo đảm quyền con người.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận ý kiến về các nội dung: Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam; giới, xu hướng tính dục và tự sát ở vị thành niên Việt Nam; an sinh xã hội trong bối cảnh COVID-19 và thúc đẩy vai trò giới; lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách...
Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp như: Bổ sung hành vi bạo lực gia đình áp dụng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay như hành vi lợi dụng phong tục, tập quán để ép kết hôn; đề nghị áp dụng bổ sung hành vi bạo lực gia đình đối với trường hợp người có quan hệ nuôi dưỡng; đưa thêm nội dung tuyên truyền về việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo pháp luật; quy định cụ thể về thời gian đối với 1 hành vi bạo lực gia đình Công an xã được quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã mấy lần để giải quyết theo quy định của pháp luật; đề nghị nêu rõ “cơ quan, tổ chức” tiến hành hòa giải là cơ quan nào...
Các ý kiến đã được Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp thu, tổng hợp, làm căn cứ xây dựng báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật với chất lượng tốt nhất.