Sáng 7/2, tại Trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về quán triệt Nghị định số 09/2019/NĐ-CP (quy định chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước), Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg (về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước), Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia) và hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng điểm lại một số kết quả nổi bật trong thực hiện các nghị định, quyết định trên; trong đó, 95/95 bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Từ ngày 12/3/2019 đến ngày 04/02/2020 đã có gần 1,25 triệu văn bản (khoảng 298.000 văn bản gửi và 945.000 văn bản nhận) trên Trục liên thông. Số lượng văn bản gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên vận hành tăng gấp 2 lần.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã kết nối, tích hợp với 9/22 bộ, cơ quan và tất cả 63 tỉnh, thành phố (3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế chưa hoàn thành việc đăng nhập một lần; 2 tỉnh Sóc Trăng, Hòa Bình chưa hoàn thành việc đồng bộ trạng thái hồ sơ). Tính đến ngày 5/2, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 41.594 tài khoản đăng ký (trong đó 221 tài khoản của doanh nghiệp, còn lại là của người dân); hơn 12,7 triệu lượt truy cập; hơn 664.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận, xử lý hơn 4.100 phản ánh, kiến nghị; hỗ trợ 3.641 cuộc gọi qua Tổng đài hỗ trợ (18001096).
Đến nay, đã có 18/22 bộ, cơ quan ngang bộ, /63 địa phương ban hành thông tư, quyết định quy định chế độ báo cáo theo phương án đơn giản hóa đã được phê duyệt, bãi bỏ nhiều báo cáo không cần thiết, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều báo cáo có nội dung trùng lặp; tần suất báo cáo đã được giảm; đề cương, biểu số liệu được mẫu hóa, làm cơ sở cho việc số hóa, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện báo cáo trên hệ thống điện tử.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ tiếp tục giao Văn phòng Chính phủ xây dựng Trung tâm báo cáo quốc gia phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trung tâm tham vấn chính sách. Việc tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 09 nhằm hướng đến có hệ thống báo cáo chuẩn. Qua quá trình triển khai, Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo với các địa phương để lọc bỏ các văn bản, báo cáo không cần thiết, “tinh chế” báo cáo và chuẩn hóa dữ liệu, hướng tới báo cáo theo 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở.
Bộ trưởng cho rằng, lượng văn bản gửi, nhận điện tử từ các bộ về Văn phòng Chính phủ và ngược lại, còn ở mức độ khác nhau, có nơi làm tốt, đã gửi tới cấp huyện, nhưng có địa phương vẫn còn văn bản giấy, ngay từ bộ với bộ, nhưng văn bản tới Văn phòng Chính phủ mất từ 2-3 ngày.
Đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đầu tháng 3/2020, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sơ kết 3 tháng triển khai hệ thống này. Ngoài 8 dịch vụ công đã được tích hợp, sẽ tiếp tục đưa các dịch vụ công mức độ 3, 4 tích hợp lên Cổng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Các vấn đề liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, mã số thuế, liên quan đến hải quan... cần tiếp tục hoàn thiện. Việc cấp, đổi giấy phép lái xe cũng cần tiếp tục hoàn thiện cấp độ 4, kết nối với y tế, các cơ quan công an, giao thông.
Bộ trưởng nêu thực tế hiện nay, khi thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), có dư luận cho rằng, nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng phạt, giữ giấy phép lái xe hơn trước, nên lượng đăng ký đổi giấy phép lái xe tăng lên. Khi bị cơ quan chức năng giữ giấy phép lái xe, những người vi phạm sẽ sử dụng giấy phép lái xe thứ hai. Các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để xử lý phòng ngừa việc gian lận, không minh bạch và tránh việc lợi dụng hồ sơ điện tử để kê khai, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong lúc chưa hoàn thiện về thể chế và chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu khác chưa đầy đủ, Bộ trưởng nêu tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm để rút kinh nghiệm hoàn thiện dần với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, làm đúng hướng, làm chậm, làm chắc, nhưng phải đi nhanh, “nhìn tổng thể, thực hiện nhanh, nhưng bắt đầu từ cái nhỏ nhất”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, với kỳ vọng và các chỉ tiêu cụ thể Chính phủ giao phải hoàn thành trong năm 2020 liên quan đến gửi nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm. Quá trình triển khai thời gian qua cho thấy một số bộ, địa phương chưa thật sự vào cuộc, thiếu quyết liệt, còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ, nhất là trong chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương.
Bộ trưởng cho biết thêm, dự kiến, tháng 3/2020, Trung tâm báo cáo quốc gia – một trung tâm rất quan trọng sẽ được khai trương. Để trung tâm này hoạt động thành công, trước hết phải chuẩn hóa các mẫu, dữ liệu, mới có thể đăng nhập. Toàn bộ số liệu cập nhật như chỉ số tăng trưởng kinh tế, các chỉ số vĩ mô sẽ tự động báo cáo cập nhật và tự xử lý mà không bị ảnh hưởng, tác động bởi con người.
Tại Hội nghị, đại biểu đã được quán triệt về việc thực hiện các nhiệm vụ gửi nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, triển khai kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương trong thời gian tới. Đồng thời, được Văn phòng Chính phủ hướng dẫn cụ thể về phương pháp, cách thức triển khai nhiệm vụ chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương và hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ này.