Hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao văn hóa Ấn Độ - ASEAN, củng cố hơn mối quan hệ giữa 2 khu vực. Hội thảo diễn ra đến hết ngày 8/10 tại Hà Nội, với hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Hội thảo có sự tham dự của ngài Rajkumar Ranjan Singh - Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ; ông Nguyễn Quốc Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; Giáo sư Sachin, Tổng Giám đốc Viện Thông tin và Nghiên cứu các nước đang phát triển (RIS), Ấn Độ; Ngài Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ… cùng các chuyên gia hàng đầu đến từ Ấn Độ và ASEAN.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử, ASEAN và Ấn Độ đã phát triển những kết nối văn minh - văn hóa lâu đời để vun đắp nền móng vững chắc của quan hệ hữu nghị, mở đường cho hợp tác toàn diện ASEAN - Ấn Độ đạt nhiều thành tựu lớn. Bước phát triển quan trọng trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN là Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2002 - đưa Ấn Độ đứng ngang hàng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong cơ chế hợp tác ASEAN+1. Ấn Độ cũng là quốc gia tham gia từ đầu các diễn đàn hợp tác quan trọng ở khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á. Đây chính là biểu hiện rõ nhất cho sự hội nhập chính trị, trong đó, các giá trị kết nối về văn hóa - văn minh giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á vừa là nền tảng vừa là di sản để chặng đường gần 30 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ với hơn 30 cơ chế hợp tác phát triển ổn định và ngày càng thịnh vượng.
Hiện nay, văn hóa là một trụ cột trong khuôn khổ 3C (kết nối, thương mại, văn hóa) giữa Ấn Độ và ASEAN. Trong đó, sự kết nối về văn hóa và văn minh giữa hai chủ thể này đã đặt nền tảng cho sự chia sẻ các niềm tin và giá trị chung về tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật và sắc tộc. Ngày nay sự kết nối văn minh, văn hóa giữa Ấn Độ và ASEAN càng rõ nét hơn được biểu hiện bằng sự hội nhập kinh tế, chính trị và phối hợp chiến lược đối với các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu để hướng đến an ninh chung và tăng trưởng bao trùm cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Ấn Độ và ASEAN đã tập trung thảo luận những nội dung chính như: Các khía cạnh khác nhau của kết nối văn hóa - văn minh Ấn Độ - ASEAN; quản lý nhà nước về kết nối văn hóa - văn minh... Trong đó, nhấn mạnh sự liên hệ giữa văn hóa với hệ tư tưởng và thể chế; chiến lược quyền lực mềm dựa trên các giá trị chính trị chung của Ấn Độ và ASEAN cũng như các biện pháp hòa bình để quản lý xung đột và hợp tác kinh tế nhằm đạt được các giải pháp chung. Đồng thời, các chuyên gia cũng bàn đến các phương hướng hợp tác về văn hóa mà 2 bên còn chưa khai phá cũng như cách thức để mở rộng, phát huy những yếu tố mới mẻ này; tác động của bối cảnh mới, đặc biệt là của dịch COVID-19 đến kết nối văn hóa - văn minh Ấn Độ - ASEAN. Qua đó, các chuyên gia sẽ đưa ra nhận định về xu hướng phát triển mới của kết nối văn hóa - văn minh Ấn Độ - ASEAN, vạch ra lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn kế tiếp.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi những vấn đề thực tiễn như: Quản lý hiệu quả di sản kết nối văn hóa - văn minh Ấn Độ - ASEAN; phát triển mối liên kết này khi hoạt động giao lưu nhân dân phần nào bị đình trệ do dịch COVID-19; hoàn thiện các chương trình hành động, kế hoạch tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, phát triển các chương trình đào tạo song phương. Đặc biệt, các đại biểu đã nhấn mạnh vào kết nối giáo dục và giới trẻ giữa Ấn Độ và ASEAN, cũng như sự kết nối của mạng lưới bảo tàng ở khu vực Đông Nam Á nhằm làm hồi sinh những di sản văn hoá - văn minh Ấn Độ - ASEAN trong thế giới đương đại.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cùng thảo luận về những cách thức mở rộng và phát huy kết nối văn hóa - văn minh giữa Ấn Độ và ASEAN, góp phần củng cố sức mạnh tổng hợp của 2 khu vực, thúc đẩy giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân, thúc đẩy sự hòa hợp, phát triển và thịnh vượng.