Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ họp quan trọng nhất của Kế hoạch Colombo với chủ đề “Bình đẳng giới”.
Tham dự Lễ khai mạc Kỳ họp có: Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Hội đồng Kế hoạch Colombo Mohammed Hussain Shareef và Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo Phan Kiều Thu cùng gần 100 đại biểu đến từ 23 nước thành viên, quan sát viên và Ban Thư ký Kế hoạch Colombo và nhiều quan chức bộ, ngành Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đại diện cho các nước thành viên, quan sát viên và Ban thư ký Kế hoạch Colombo đến Việt Nam dự Kỳ họp quan trọng nhất của Kế hoạch Colombo định kỳ 2 năm/lần, nhằm giải quyết những tồn tại, đề ra phương hướng hợp tác trong hai năm tới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận sự hợp tác quý báu mà Kế hoạch Colombo đã dành cho Việt Nam, đặc biệt là đã giúp đào tạo hơn 500 cán bộ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như phòng chống ma tuý, hành chính công, môi trường, phát triển kinh tế tư nhân, bình đẳng giới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Việt Nam đã chọn chủ đề bình đẳng giới cho Kỳ họp lần này vì đây là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm và được lồng ghép vào tất cả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bộ trưởng chia sẻ Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng khích lệ, là một trong những quốc gia có chỉ số bình đẳng giới tốt nhất, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh những thành tựu về bình đẳng giới, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức như yêu cầu mới của Cách mạng 4.0, vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em gái, buôn bán phụ nữ, Bộ trưởng cho rằng, cần phải tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên và phối hợp chặt chẽ giữa các nước thành viên với Kế hoạch Colombo trong việc chia sẻ kinh nghiệm, triển khai các chương trình, khoá học về bình đẳng giới cũng như tiếp tục các chương trình về phòng chống, cai nghiện ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh sự tham gia ngày càng tích cực của Việt Nam vào các hoạt động quản lý của Kế hoạch Colombo như ứng cử thành công vào các vị trí Giám đốc Chương trình Tư vấn Phòng chống ma túy giai đoạn 2009 - 2011 và hiện nay là Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo nhiệm kỳ 2018 - 2022.
Phát biểu tại Kỳ họp với tư cách Chủ tịch CCM46, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nêu bật những hiệu quả tích cực mà các khóa đào tạo của Kế hoạch mang lại cho Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước. Nhấn mạnh vai trò của ngoại giao đa phương trong tình hình mới, Thứ trưởng cũng cho rằng Kỳ họp lần này là một cơ hội tốt để các nước thành viên đánh giá lại những mục tiêu, đề xuất đã được thực hiện trong hai năm qua và vạch ra những phương hướng thích hợp cho Kế hoạch Colombo trong thời gian tới nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Kế hoạch.
Tại phiên họp toàn thể, Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo Phan Kiều Thu đã trình bày Chương trình mục tiêu trong nhiệm kỳ làm Tổng thư ký của mình, đặc biệt là trong hai năm tới.
Các đại biểu cũng nghe báo cáo thường niên về hoạt động của Ban Thư ký Kế hoạch Colombo cũng như các báo cáo của các Chương trình đào tạo và xây dựng năng lực của Kế hoạch. Tại Kỳ họp, các nước thành viên cùng trao đổi, thống nhất về phương hướng và các hoạt động của Kế hoạch Colombo trong hai năm tới cũng như những hỗ trợ và cam kết của từng nước thành viên.
Kế hoạch Colombo - tên gọi đầy đủ là “Kế hoạch Colombo vì sự hợp tác phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” là sáng kiến của Anh tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước Khối Thịnh vượng chung tại Colombo, Sri Lanka tháng 1/1950 và chính thức đi vào hoạt động từ 1951.
Cho đến nay, Kế hoạch Colombo là diễn đàn để nước các nước thành viên thảo luận về các nhu cầu phát triển, chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện các chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và giúp đỡ các nước kém phát triển trong khu vực.
Phương thức hoạt động chủ yếu là tổ chức các khoá đào tạo, giúp các nước thành viên phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay Colombo Plan gồm 27 thành viên chính thức và đang triển khai bốn chương trình lớn là Chương trình Tư vấn Chống ma tuý (DAP), Chương trình Hành chính công và Môi trường (PPA&ENV), Chương trình Hỗ trợ thành phần Kinh tế Tư nhân (PPSD), Chương trình Đào tạo dài hạn (LTSP) và Chương trình Các vấn đề về giới (GAP).
Ngày 3/7/2002, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Việt Nam tham gia là thành viên chính thức của Kế hoạch Colombo. Tại Phiên họp Đặc biệt của Hội đồng Kế hoạch Colombo từ 18-19/11/2003, các nước thành viên đã thông qua việc này và Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Kế hoạch.