Song, một điều không thể không nói đến, đó là sự phong phú của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam đã để lại trong lòng các vị khách quốc tế những ấn tượng tốt đẹp. Sự thân thiện của các tình nguyện viên cũng chính là hình ảnh đem đến sự ấm áp và ấn tượng rất sâu đậm trong mỗi người. Trước ngày diễn ra Đại lễ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thượng tọa Thích Đức Thiện về sự kiện này.
Thưa Thượng tọa, chủ đề của Vesak năm nay là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng góp như thế nào cho chủ đề này và cách tiếp cận ở đây là gì?
Chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam người đưa ra chủ đề này, bởi vì Giáo hội mong muốn chủ đề của Đại lễ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc, những mối quan tâm của chúng ta chính là mối quan tâm của Liên hợp quốc. Qua đó, thể hiện Việt Nam luôn chủ động, sáng tạo trong hội nhập quốc tế, không chỉ trên tầm quy mô quốc gia mà kể cả đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện điều đó.
Cách tiếp cận của Phật giáo đối với lãnh đạo toàn cầu là mong muốn các nhà lãnh đạo đem tinh thần từ bi và trí tuệ để phụng sự, vì sự phát triển chung, không vì chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân ở đây không phải chỉ cá nhân mình mà kể cả “cá nhân” cho một cộng đồng nhỏ, “cá nhân” cho một đất nước, quốc gia, mà không quan tâm đến sự phát triển chung, sự chia sẻ của toàn nhân loại, điều đó chưa đúng với tinh thần tiếp cận của Phật giáo.
Tiếp cận của Phật giáo ở đây là bằng tình thương bao trùm cũng như là chia sẻ đến tất cả mọi người, các thành phần trong xã hội, mà như chúng ta vẫn nói là không để lại ai bị bỏ lại phía sau. Cách tiếp cận của Phật giáo chính là những lời dạy của Đức Phật, là học thuyết về tính bao trùm mà hiện nay chúng ta đang nói đến.
Cách tiếp cận của Phật giáo đối với sự lãnh đạo toàn cầu, đó là trí tuệ. Trí tuệ phải đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, chứ không phải cho một nhóm cộng đồng nào. Cách tiếp cận của Phật giáo, đó cũng chính là sự chia sẻ với nhau vì lợi ích chung, vì sự phát triển bền vững, không vì lợi ích của quốc gia nào mà làm ảnh hưởng tới sự phát triển chung của khu vực hay của toàn thế giới. Đó là mong muốn, thông điệp mà chủ đề của Đại lễ mang đến với các lãnh đạo toàn cầu vì sự phát triển và vì mục tiêu chung của Liên hợp quốc đã đưa ra.
Chủ đề này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa Thượng tọa?
Như chúng ta biết, hiện nay trên thế giới, đâu đó các khu vực vẫn còn có những cuộc xung đột. Chiến tranh và sự nghèo đói đang là vấn nạn lớn. Chủ đề được chọn ra chính là mong muốn chung của nhân loại, của Liên hợp quốc. Trong bối cảnh vẫn còn xung đột, chiến tranh thì mong muốn thông điệp về hòa bình của Đức Phật sẽ được chiếu rọi tới tất cả mọi người, để chúng ta chia sẻ cùng với nhau, vì hạnh phúc chung của nhân loại, vì hòa bình chung của khu vực và trên toàn thế giới.
Thượng tọa có thể chia sẻ thông điệp chính mà Đại lễ mang đến và mong muốn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua Đại lễ Vesak 2019?
Thông điệp chính là sự chia sẻ lòng từ bi và chia sẻ về vị trí tuệ.
Bằng hình ảnh của con người, Phật giáo Việt Nam và đặc biệt là thành tựu phát triển của đất nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế, sẽ khẳng định với bạn bè thế giới về truyền thống của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đứng vững trong mọi hoàn cảnh để đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Đại lễ Vesak góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người cũng như bức tranh tôn giáo ở Việt Nam như thế nào, thưa Thượng tọa?
Khi bạn bè quốc tế đến Việt Nam tham dự Đại lễ Vesak, họ sẽ hiểu hơn về đời sống tôn giáo ở Việt Nam, về sự đa dạng tôn giáo ở Việt Nam và trong đó, nổi bật là tinh thần đoàn kết giữa cộng đồng các tôn giáo với nhau. Họ cũng hiểu về 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật giáo chính là tôn giáo lớn, có truyền thống ở Việt Nam. Đặc biệt, họ rất hiểu về truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Qua tiếp xúc với bạn bè quốc tế, bản thân tôi cũng ngạc nhiên khi họ có hiểu biết về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ví dụ như một tham tán chính trị của Nhật Bản hiểu rất rõ về vai trò của Phật giáo Việt Nam trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.
Thông qua Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, cộng đồng bạn bè quốc tế, các vị cao tăng, chức sắc của các Giáo hội Phật giáo trên toàn thế giới và học giả, trí thức đến từ những viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng thế giới hiểu biết và càng thấy được đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam, thấy được đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tất cả những điều đó có thể nói rằng hết sức quý giá. Thay vì chúng ta phải có những bản báo cáo, lập luận gì đó đối với các hội nghị quốc tế thì đây chính là bài học rất sống động để bạn bè quốc tế thấy được những gì họ nghe ở các diễn đàn đã phản ánh sai sự thật về đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định được đường lối của Đảng, Nhà nước đối với dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, và cũng là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, bằng những hành động cụ thể, bằng tình cảm chân thành mà những người dân Việt Nam đem đến cho họ trong suốt những ngày ở đây.
Qua việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak trao quyền đăng cai chính là thể hiện vị thế, vai trò Việt Nam chủ động, sáng tạo, thành công trong việc tổ chức. Giáo hội nhận thấy có nhiều đại biểu quốc tế xác nhận tham gia, đặc biệt trong đó có các vị nguyên thủ quốc gia, Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch các Thượng viện, các bộ trưởng, điều đó cho thấy vị thế của Việt Nam, những thành công của Việt Nam đối với các sự kiện quốc tế, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững… là cái mà họ mong muốn đến Việt Nam, không chỉ đến với Giáo hội mà chính là đến với đất nước và con người Việt Nam, đến với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.
Xin hỏi Thượng tọa câu hỏi cuối, Đại lễ Vesak có 16 lần được tổ chức, riêng Việt Nam tổ chức 3 lần. Vì sao đã hai lần tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn xin đăng cai tổ chức lần thứ 3?
Việc tổ chức Đại lễ Vesak cũng là cơ hội để kết nối bạn bè quốc tế, giới thiệu về văn hóa của Việt Nam. Một lần, hai lần, chúng ta không thể giới thiệu hết được mà cần có nhiều lần để giới thiệu. Lần đầu tiên tổ chức Trung tâm Hội nghị quốc gia để chúng ta giới thiệu về thành tựu của Việt Nam. Lần thứ hai ở Bái Đính (Ninh Bình) để giới thiệu về những ngôi chùa trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thành tựu trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Và lần thứ ba này, chúng ta muốn giới thiệu về phong cảnh, về tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam mà nó khơi dậy từ chính văn hóa Phật giáo.
Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!