Việc lấy hình ảnh gieo trồng và thu hoạch tại thời điểm đó là một sự vận dụng vô cùng sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về thi đua yêu nước. Trên thực tế, trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, từ những phong trào thi đua trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đã xuất hiện bao nhiêu điển hình tiên tiến, những anh hùng trong lao động và sản xuất, hăng hái thi đua lập nhiều thành tích trong chiến đấu, giết giặc ngoại xâm.
Rút ra từ thực tiễn trong quá trình lãnh đạo đất nước, chỉ đạo phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới mau thành công”. Khi đất nước đã vững vàng hơn, dân trí được nâng cao hơn, Bác đã chỉ rõ thi đua và khen thưởng là công tác động viên chính trị, giáo dục tư tưởng, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đều là động lực phát triển xã hội theo hướng tốt đẹp hơn.
Nếu thi đua là hành động cách mạng, tự nguyện, tự giác của quần chúng nhân dân có tổ chức của Nhà nước gắn liền với truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc thì khen thưởng lại là chức năng quản lý của Nhà nước, là ghi nhận, biểu dương, khuyến khích, tôn vinh công trạng của nhân dân.
Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Thi đua tốt thì có nhiều thành tích để khen thưởng. Bình bầu thi đua đúng, công khai, chặt chẽ giúp cho việc khen thưởng được chính xác, động viên. Bình bầu thi đua rộng, nể nang thì dẫn đến việc khen thưởng tràn lan, bình bầu thi đua chiếu lệ cho có, nếu không kiểm tra kỹ thì dẫn đến khen sai, khen không đúng sẽ phản tác dụng. Muốn làm tốt công tác khen thưởng thì phải lãnh đạo tốt phong trào thi đua và tổ chức việc bình bầu danh hiệu thi đua nghiêm túc ngay từ cơ sở.
Khen thưởng phải phản ánh đúng phong trào thi đua. Nơi nào có phong trào thi đua mạnh mẽ, đều khắp thì khen nhiều, phong trào thi đua xuất sắc thì khen cao, phong trào yếu thì ít khen mà khen nhiều là không đúng. Khen thưởng còn nhằm dẫn dắt phong trào thi đua, là định hướng phát triển xã hội. Việc khen thưởng từ phong trào thi đua thể hiện hướng đi đúng của phong trào cần được tiếp tục duy trì và phát huy.
Tuy thi đua và khen thưởng có mối quan hệ khăng khít với nhau, tác động qua lại nhưng lại độc lập với nhau, không phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Nhờ làm tốt công tác động viên thi đua và khen thưởng đúng và kịp thời mà việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, lao động và học tập đều đạt được những kết quả khả quan, giúp chúng ta có đủ người và lực đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, từng bước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
Nếu thi đua là biện pháp xây dựng con người mới thì khen thưởng là công cụ quản lý Nhà nước, quản lý con người mới. Quản lý con người mới được thể hiện ở giai đoạn trong một quá trình ghi nhận các tập thể, cá nhân có công lao thành tích. những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua. Giai đoạn thứ nhất là xây dựng, phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước, từ phong trào thi đua phát hiện ra những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, ghi nhận biểu dương thích đáng và xây dựng thành mô hình kiểu mẫu để nhân rộng. Từ đó thúc đẩy phong trào thi đua lên một tầm cao mới với nhiều điển hình tiên tiến hơn, thực hiện nhiệm vụ của đất nước nặng nề nhưng vinh quang, cao cả hơn. Giai đoạn thứ hai là thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng những tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến đó đển họ không tự mãn, không dừng ở lại những thành tích đã đạt được mà tiếp tục duy trì thành tích cũ và phấn đấu đạt được những thành tích cao hơn.
Trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều đổi mới trong công tác thi đua, khen thưởng. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã kịp thời phát hiện, biểu dương và khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở các quy định của Luật thi đua, khen thưởng, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng công tác khen thưởng: Quy định rõ ràng, cụ thể hơn điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục đối với từng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, đặc biệt là đã quy định cụ thể các hình thức khen thưởng cho nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp. Các quy định nhằm nâng cao chất lượng và cải cách hành chính trong công tác khen thưởng như: quy định thời gian thẩm định hồ sơ khen thưởng tại mỗi cấp; thực hiện cải cách hành chính, giảm số lượng hồ sơ, thủ tục trong khen thưởng; quy định việc lấy ý kiến nhân dân trên các phương tiện thông tin truyền thông đối với các tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng..., góp phần bảo đảm việc khen thưởng được chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch.
Công tác khen thưởng có chuyển biến tích cực, chất lượng khen thưởng được nâng lên, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành, địa phương. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tập trung thẩm định hồ sơ khen thưởng theo quy định; đồng thời hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện hồ sơ, thủ tục, thời gian đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đảm bảo kịp thời, đúng quy định, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khen thưởng. Việc xét, đề nghị khen thưởng được thực hiện chặt chẽ từ cơ sở, bảo đảm công khai, dân chủ, gắn khen thưởng với kết quả thực hiện phong trào thi đua ở từng nội dung, lĩnh vực, phù hợp điều kiện, tiêu chuẩn và đối tượng khen thưởng. Tăng cường khen thưởng thông qua việc phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua để khen thưởng, động viên kịp thời.
Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo và có những giải pháp cụ thể để tăng cường khen thưởng nhiều hơn cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác như: Quy định việc bình xét thi đua, tỷ lệ khen thưởng giữa cán bộ quản lý và người trực tiếp lao động, công tác; quy định tỷ lệ khen thưởng lãnh đạo, quản lý từng cấp; cân đối giữa các cơ quan chuyên môn của Đảng, chính quyền, đoàn thể và xã, phường, thị trấn; quy định số lượng khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động ở mỗi cấp... Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ khen thưởng cao cho người lao động trực tiếp bằng hình thức khen thưởng của bộ, ngành, tỉnh trên 50%, như: Thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh: Bạc Liêu, Hải Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Cà Mau, Hà Nam, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương... Tỷ lệ khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho người lao động trực tiếp đã tăng lên so với nhiệm kỳ trước.
Khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, khen thưởng niên hạn, khen thưởng quá trình cống hiến được triển khai thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch. Cơ quan chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp đã kịp thời thẩm định, trình cấp có thẩm quyền thực hiện khen thưởng đột xuất đảm bảo kịp thời để tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc. Tập trung khen thưởng phục vụ các nhiệm vụ chính trị, khen thưởng theo chuyên đề: Khen thưởng các tập thể, cá nhân trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; khen thưởng tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; khen thưởng tổ chức thành công “Năm APEC” 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội... Khen thưởng đối ngoại được thực hiện thường xuyên, đúng quy định đã kịp thời ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân người nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong 5 năm qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã thực hiện bình xét các danh hiệu thi đua, tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Cờ thi đua, để kịp thời ghi nhận, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Từ sau Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng 07 Huân chương Sao vàng, 30 Huân chương Hồ Chí Minh, 9.826 Huân chương Độc lập, 317 Huân chương Quân công, 13.912 Huân chương Lao động, 17.956 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 875 Huân, Huy chương hữu nghị, 55 Anh hùng Lao động, 28 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (thành tích trong thời kỳ đổi mới), 3.674 danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sỹ, Nghệ nhân (nhân dân, ưu tú) cùng nhiều Huân, Huy chương tặng thưởng cho các cá nhân đạt được thành tích tiêu biểu, xuất sắc.
Trong thời gian tới, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương thực hiện các quy định của pháp luật trong bình xét, lựa chọn, đề nghị khen thưởng, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch. Công tác khen thưởng gắn với kết quả phong trào thi đua và thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, cơ quan, bộ, ngành, địa phương, thực sự có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, cá nhân dũng cảm cứu người, cứu tài sản; tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; khen thưởng các tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số.