Khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Võ Hồng Thanh, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7%. Nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.

Sáng 15/5, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. 

Tăng trưởng chưa thực sự bền vững

Báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều cải thiện so với Quý I. Kinh tế diễn biến theo chiều hướng tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; tín dụng tăng cao; lãi suất ngân hàng được giữ ổn định. 

Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu tăng nhẹ so với Quý 1/2017; dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực; du lịch có khởi động tốt cho những tháng cao điểm. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng khá cao; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. 

Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Võ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2017 đã xuất hiện không ít khó khăn cần được quan tâm, chỉ đạo, điều hành trong các tháng cuối năm là sản xuất nông nghiệp vừa mới phục hồi nhưng tình hình sâu bệnh đang bắt đầu có diễn biến phức tạp trên diện rộng; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát; ngành chăn nuôi lợn đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” do mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn cung và thị trường, giá bán giảm mạnh. 

Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm, trong khi chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn ở mức cao. Xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập siêu lại có xu hướng gia tăng. Tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn tư nhân và FDI còn chậm, chưa tương xứng với tốc độ gia tăng vốn cam kết.

Trình bày báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Võ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm 2017 trên các lĩnh vực như báo cáo Chính phủ đã nêu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức. Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. 

"Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%”, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Võ Hồng Thanh cho biết.

Do đó, một số ý kiến đề nghị cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Võ Hồng Thanh, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ và dự báo sẽ đạt chỉ tiêu tăng khoảng 6-7%. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng 24,9% so với cùng kỳ, đây là mức tăng rất cao so với các năm gần đây. 

Con số nhập siêu quá cao, chiếm đến 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, vì vậy, cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, giữ mức nhập siêu theo Nghị quyết của Quốc hội. 

Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách đạt mức thấp (19,2%), gây áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. 

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đang có dấu hiệu chững lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự phát huy hiệu quả, còn nhiều dự án đầu tư thua lỗ nặng nề. Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm cố gắng giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.

Thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn

Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, bên cạnh các giải pháp trong Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm một số giải pháp như: Đổi mới tư duy cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn như chính sách thu hút FDI chọn lọc thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ. Nghiên cứu sớm tạo thể chế hình thành các khu hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng các chính sách mang tính đột phá cho các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, kiểm soát và tăng cường kỷ luật ngân sách. Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản, có biện pháp đột phá đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch.

Tiếp tục triển khai quyết liệt trên thực tế Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp để góp phần khai thác các nguồn lực thay thế do sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng thời gian qua. Thực hiện các giải pháp đột phá và đồng bộ để xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.  

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước, rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến...
Hoàng Linh/Báo Tin Tức
Cho vay tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Cho vay tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tại Tọa đàm “Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: Những kết quả nghiên cứu tổng quan” do Viện Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội- ĐHQGHN) tổ chức ngày 25/4, PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh (ĐHQG) cho biết: Hiện tỷ lệ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 5- 10%/tổng dư nợ tín dụng, trong khi ở các nước phát triển thường là 40- 50%. Đây sẽ là một trong những lực đẩy cho tiêu dùng quốc gia, một trong những yếu tố chính thúc đẩy kinh tế phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN