Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đó chính là phát hiện sớm đối với những trường hợp bị lây nhiễm trong cộng đồng để khoanh vùng cách ly kịp thời không cho dịch lan rộng.
Xin Thứ trưởng cho biết chúng ta đang áp dụng kịch bản như thế nào cho công tác phòng chống dịch tại Việt Nam?
Kịch bản chúng ta đang thực hiện cũng chính là kịch bản mà Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã có văn bản chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trong cả nước theo phương châm bốn tại chỗ. Đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Trong trường hợp dịch bệnh tăng nhanh với số lượng người mắc nhiều lên thì chúng ta sẽ tập trung bệnh nhân không chỉ ở các bệnh viện tuyến Trung ương hay tuyến tỉnh mà chúng ta còn có thể điều trị người bệnh ở tại các bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế xã.
Trường hợp số lượng tăng nhiều lên có kiểm soát, chúng ta rất may mắn vì có hệ thống y tế cơ sở có kinh nghiệm và được tôi luyện; đồng thời, chúng ta tổ chức được các tuyến điều trị rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên có một điều phải khẳng định, đó là chúng ta tập trung nguồn nhân lực y tế giỏi nhất, trang thiết bị tốt nhất, vật tư y tế tốt nhất cho phòng chống dịch COVID-19, cho nên Bộ Y tế cũng đã xây dựng nhiều đội cơ động phản ứng nhanh trong những trường hợp bệnh nhân ở tuyến xã, tuyến huyện. Chúng tôi sẵn sàng điều đội cơ động từ các bệnh viện Trung ương hỗ trợ cho tuyến dưới.
Ví dụ như ở Bình Thuận hiện giờ đã có 9 ca mắc COVID-19. Bệnh viện Chợ Rẫy từ Thành phố Hồ Chí Minh ngay trong đêm đã cử một đội cơ động đến Bình Thuận để giúp đỡ các đồng nghiệp để có thể đảm nhiệm công tác điều trị ở tuyến dưới.
Trong trường hợp số lượng bệnh nhân tập trung đông ở địa phương thì ngành Y tế sẽ triển khai các bước như thế nào thưa Thứ trưởng?
Khi số lượng bệnh nhân tập trung đông ở địa phương, vấn đề đầu tiên chúng ta phải làm đó là khoanh vùng ở các địa phương đó từ các cấp độ khác nhau. Đó có thể là một xã như xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), một khu phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) hoặc là lên cấp độ một huyện, có thể là một tỉnh.
Lúc đó các nguồn lực ở các địa phương cũng sẽ phải tập trung về, từ địa phương lân cận đến Trung ương cũng sẽ phải tham gia công tác phòng chống dịch.
Trong trường hợp lượng bệnh nhân tăng vượt quá khả năng thu dung điều trị ở một địa phương thì chúng ta lại có kinh nghiệm rất hay trong khi cách ly ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Đó là khi tỉnh Cao Bằng vượt quá số lượng người cách ly, không đảm bảo nữa thì chúng ta sử dụng tuyến dưới coi như tuyến hai để sẵn sàng hỗ trợ tuyến đầu.
Xin Thứ trưởng cho biết chúng ta đã có kinh nghiệm gì trong giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh khi đã chữa khỏi cho cả 16/16 người mắc COVID-19?
Những bài học ở giai đoạn đầu tiên được áp dụng trong giai đoạn thứ hai này đó chính là khả năng phát hiện sớm đối với những trường hợp bị lây nhiễm.
Thứ hai đó là chúng ta thu dung, điều trị người bệnh ở những cơ sở y tế có điều kiện cơ sở vật chất thoáng khí, có thể không sử dụng máy lạnh. Chúng ta để khí trời hoặc thông khí chủ động vào phòng để giúp cho giảm nồng độ virus.
Tiếp đó là chúng ta sử những dụng cụ khử khuẩn trong khu cách ly và đồng thời thực hiện vệ sinh cá nhân, đặc biệt vệ sinh vùng họng, miệng cho các bệnh nhân.
Chúng ta cũng có biện pháp để nâng cao sức đề kháng, khả năng miễn dịch của người bệnh để tự người bệnh có khả năng chống chọi với virus. Bên cạnh đó chúng ta cũng đã điều trị phối hợp bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường, suy thận, thậm chí là có trường hợp bệnh nhân đã bị cắt phổi như bệnh nhân ở Vũ Hán. Đây là những bài học rất quý giá cho ngành Y tế Việt Nam đối phó với dịch trong giai đoạn này.
Thông điệp của Bộ Y tế đối với mỗi người dân trong giai đoạn này như thế nào nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả do dịch bệnh gây ra, thưa Thứ trưởng?
Lời khuyên đầu tiên của chúng tôi đối với người dân đó là hãy tuân thủ những hướng dẫn, quy định trong thời gian dập dịch như hạn chế đi du lịch nước ngoài, hạn chế đến nơi đông người. Khi đến nơi đông người thì sử dụng các biện pháp phòng vệ cá nhân như mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Khi lên các phương tiện giao thông công cộng như máy bay, xe bus..., người dân nên có các biện pháp tự bảo vệ mình.
Bên cạnh đó, mỗi người dân nêu cao ý thức bảo vệ cộng đồng bằng cách nhắc nhở người thân trong gia đình tuân theo các quy định, hướng dẫn; khi phát hiện trường hợp hàng xóm hoặc người thân có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh thì cần khuyến cáo họ đi đến các cơ sơ y tế gần nhất để thăm khám, điều trị kịp thời.
Thứ hai, trong không gian thông tin đa chiều hiện nay, có những nguồn thông tin chính thống, thông tin sai lệch, trái chiều, thậm chí có thông tin xuyên tạc về hoạt động phòng chống dịch tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, nên theo dõi, tin tưởng các thông tin chính thống được các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước công bố. Chúng tôi cam đoan tất cả những thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đưa ra với người dân là hoàn toàn công khai minh bạch và chính xác.
Điểm thứ ba là trong giai đoạn này, đối với mỗi người dân, chúng tôi khuyến cáo nên tăng cường rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao, có chế độ ăn uống, vệ sinh thật sạch sẽ. Mỗi người dân cũng nên rửa tay, súc miệng để tăng cường đề kháng của cơ thể đối với bệnh dịch.
Và cuối cùng là khai báo y tế đối với người dân. Hiện giờ việc khai báo y tế vẫn đang được áp dụng dưới hình thức tự nguyện. Chỉ trong vài ngày vừa qua đã có hơn 100.000 lượt người dân đăng ký khai báo y tế điện tử và đây là cơ sở dữ liệu rất tốt giúp ngành Y tế có thể quản lý được sức khỏe người dân trong thời kỳ dịch bệnh này. Từ đó ngành có những khuyến cáo, hành động kịp thời giúp người dân phát hiện sớm, cơ quan chức có thể xác định được các khu vực, nhóm người có nguy cơ mắc bệnh để can thiệp kịp thời.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!