Không được quên bài học lịch sử

Trận chiến Điện Biên Phủ đã lùi sâu vào quá khứ, báo chí Pháp ngày hôm nay không còn đề cập nhiều về cái cảm giác cay đắng và chua chát của người thua trận, nhưng nước Pháp không được quên bài học lịch sử về những sai lầm của chủ nghĩa thực dân.


Điện Biên Phủ là lời nhắc nhở nghiêm khắc, ngăn chặn những mưu toan can thiệp vào công việc của những nước khác, đồng thời cũng gửi đi một thông điệp hòa bình. Đó là nhận định của nhà sử học Alain Ruscio, nguyên phóng viên thường trú báo Nhân đạo (L’Humanité) tại Việt Nam, hiện là Chủ tịch Trung tâm Thông tin và Tư liệu về Việt Nam đương đại (CID), trong buổi trò chuyện với phóng viên TTXVN bên lề một buổi tọa đàm được tổ chức tại Paris nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn:

 

* 60 năm trước, đội quân viễn chinh Pháp đã thất bại tại Điện Biên Phủ. Theo ông, liệu nước Pháp có tổ chức lễ kỷ niệm hay các hoạt động nhằm ôn lại lịch sử nhân dịp này?


Về mặt chính thức, đối với Nhà nước Pháp, chính phủ Pháp, hay những người vẫn còn hoài niệm về thời kỳ thực dân, Điện Biên Phủ thực sự là một thất bại tồi tệ, vì vậy, không có lý do gì để tổ chức lễ kỷ niệm một sự kiện như vậy.

 

Nhà sử học Alain Ruscio tại một buổi nói chuyện về Việt Nam.


Nhưng đối với nhân dân Pháp, Điện Biên Phủ là thất bại của chủ nghĩa thực dân. Nước Pháp đã không có cơ sở, không tìm được lý do để biện minh cho việc tiến hành cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Theo tôi, thất bại ở Điện Biên Phủ là thất bại của giới chính trị và quân sự Pháp, những người đã không hiểu gì về khát vọng độc lập của nhân dân Việt Nam, đã gắng hết sức để duy trì hệ thống thuộc địa với cái giá phải trả là sinh mệnh của hàng nghìn binh sĩ Pháp. Tóm lại, đây là thất bại của toàn bộ bộ máy chiến tranh và chủ nghĩa thực dân Pháp.


Nhưng ngay kể cả khi không có lễ kỷ niệm chính thức thì mọi người vẫn tiếp tục suy ngẫm về sự kiện Điện Biên Phủ, về ý nghĩa của nó đối với Việt Nam và tác động của nó đối với thế giới. Buổi tọa đàm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử sống, thành phố Montreuil (ngoại ô Paris), là một thí dụ. Qua câu chuyện của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison, chúng ta có thể thấy mong muốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai nước Việt Nam và Pháp tăng cường tình hữu nghị. Cần phải hiểu rằng một vị tướng là Tổng tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, từng làm cho quân đội Pháp thảm bại, lại rất quan tâm đến việc vun đắp cho tình hữu nghị đó. Điều đó cho thấy hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Pháp không phải là kẻ thù của nhau, chúng ta cùng yêu chuộng hòa bình và công lý.

 

* Ngày hôm nay, liệu người Pháp còn giữ mặc cảm về sự kiện Điện Biên Phủ nữa hay không? Ông có thể nói rõ hơn về sự ủng hộ của nhân dân Pháp đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam?


Nước Pháp vào những năm 1946 - 1954 có rất nhiều đảng phái, trào lưu chính trị và quan niệm khác nhau. Một bộ phận trong chính giới muốn giữ Đông Dương bằng mọi giá. Tuy nhiên, đa số người Pháp phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1948 bắt đầu nổ ra các cuộc biểu tình, mít tinh, phát truyền đơn phản đối cuộc chiến tranh, và sau đó là các cuộc đình công chống lại việc chuyển vũ khí lên những con tàu đi đến Đông Dương. Những gương mặt nổi bật thời kỳ đó là các chiến sĩ cộng sản Henri Martin và Raymonde Dien, các trí thức theo đường lối cánh tả, thí dụ như nhà triết học Jean - Paul Sartre. Họ là những người đã tố cáo cuộc chiến tranh Việt Nam, còn nhân dân Pháp thì phản đối cuộc chiến tranh đó.


*Theo ông, đâu là ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ?


Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gây một tiếng vang lớn, nó cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Trước Điện Biên Phủ, các dân tộc bị áp bức, đặc biệt là các dân tộc bị áp bức thuộc Đế chế Pháp như Algeria, Morocco, Tunisia, các nước châu Phi nói chung, đã theo dõi sát sao cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Họ nhìn Việt Nam với rất nhiều hy vọng bởi vì đối với họ, hình như những gì đang diễn ra ở đó vượt xa hơn rất nhiều biên giới Việt Nam.

Trên thực tế, tiếp sau chiến thắng Điện Biên Phủ, rất nhiều dân tộc trên thế giới đã đứng lên đấu tranh chống lại chế độ thuộc địa của Pháp. Điện Biên Phủ là bằng chứng cho thấy một dân tộc nhỏ bé có thể chiến thắng một cường quốc quân sự và làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân. Không chỉ góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của Pháp, mà Điện Biên Phủ còn góp phần vào làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của Anh do phản ứng dây chuyền và tác động qua lại giữa các nước thực dân, đế quốc lúc bấy giờ. Chính vì vậy, có thể khẳng định Điện Biên Phủ có tầm ảnh hưởng quốc tế.

 

* Trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, điều gì làm ông ấn tượng nhất?


Đó chính là việc quân đội Việt Nam đã dám chấp nhận một cuộc thách đấu với quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, là khả năng của dân tộc Việt Nam vượt qua mọi hoàn cảnh để đi đến chiến thắng. Điện Biên Phủ là một địa điểm đã được Bộ tham mưu của Pháp lựa chọn kỹ càng, nó giống như một cái bẫy, dụ đối phương đến để tiêu diệt. Đối với các chuyên gia Pháp, chính trị cũng như quân sự, Điện Biên Phủ là một pháo đài “bất khả xâm phạm”, đặc biệt là khi phía Pháp có ưu thế hơn hẳn về quân số, vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh. Thực vậy, Pháp có máy bay ném bom và lực lượng pháo binh áp đảo; về hậu cần, Pháp có máy bay vận tải tiếp tế. Xét tương quan lực lượng hai bên, Pháp có ưu thế tuyệt đối. Không một nhà chiến lược người Pháp nào vào thời điểm đó có thể hình dung ra rằng bộ đội Việt Nam có thể kéo pháo lên đỉnh đồi và lực lượng dân công đảm bảo vận chuyển đủ vũ khí và lương thực cho chiến dịch...


Tuyệt đại bộ phận chính giới Pháp và chính phủ Pháp đã đánh giá thấp sức mạnh và khả năng chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Những người theo đường lối thực dân nghĩ rằng chỉ cần đánh thật mạnh là có thể nghiền nát được người dân Việt Nam.


Nhưng họ không hiểu ra một điều đơn giản rằng cuộc chiến tranh nhân dân mà Việt Nam tiến hành cho phép huy động được những sức mạnh mà các loại phương tiện chiến tranh hiện đại không thể làm được. 60 năm sau nhìn lại, đây chính là điều gây ấn tượng nhất.

 

* 60 năm là một khoảng thời gian dài, nó giúp ta nhận ra điều gì nên làm và điều gì nên tránh. Ông nghĩ gì về sự phi nghĩa của chiến tranh và tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình trên thế giới?


Cuộc đấu tranh vì hòa bình luôn mang ý nghĩa thời đại. Chúng ta không bao giờ được chấp nhận chiến tranh dù là dưới hình thức nào. Tất nhiên có những cuộc chiến tranh chính nghĩa. Đó là các cuộc chiến tranh đòi độc lập dân tộc, chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Cũng cần phải thấy rằng vẫn còn đó các cuộc can thiệp từ bên ngoài như các cuộc chiến tranh tại Irắc, Afghanistan..., hay đe dọa can thiệp vào Syria và các vùng đất của người Palestine... Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm hết sức để giữ gìn hòa bình trên thế giới.


Liên quan đến quan hệ Việt - Pháp, nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp chưa bao giờ muốn có cuộc chiến tranh này. Ngày hôm nay, tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy rằng 60 năm sau, quan hệ giữa hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp. Hai nước đã ký quan hệ đối tác chiến lược. Mặc dù vậy, nước Pháp không được quên bài học lịch sử về những sai lầm của chủ nghĩa thực dân và thời kỳ thuộc địa trong thế kỷ 20. Điện Biên Phủ là lời nhắc nhở nghiêm khắc, ngăn chặn những mưu toan can thiệp vào công việc của những nước khác, đồng thời cũng gửi đi một thông điệp hòa bình. Điện Biên Phủ cũng cho chúng ta thấy cần phải phấn đấu để xây dựng những quan hệ tốt đẹp cho ngày mai.


Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Chiến thắng Điện Biên Phủ từ điểm nhìn “phía bên kia”
Chiến thắng Điện Biên Phủ từ điểm nhìn “phía bên kia”

Thế kỷ XX, lịch sử dân tộc Việt Nam đã diễn ra ba sự kiện vĩ đại - đó là Cách mạng tháng Tám - 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ - 1954, và Đại thắng mùa Xuân 1975, trong đó chiến thắng Điện Biên Phủ vừa là sự giữ gìn và phát huy thành quả của Cách mạng tháng Tám...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN