Vấn đề này đặt ra nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ nguồn vay để quản lý hiệu quả nợ công nhằm hạn chế nguy cơ rủi ro, mất an ninh - an toàn tài chính quốc gia. Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu xung quanh nội dung này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Cần có chính sách vay và trả nợ công dài hạn
Nợ công của năm 2021 có thể lên tới 4 triệu tỷ đồng với tỷ lệ bị đẩy lên tới ngưỡng 63%. Như vậy, chắc chắn sẽ phải đi vay nợ vì nguồn thu chỉ đáp ứng được một phần của đầu tư. Theo tôi, đây cũng là chuyện đương nhiên của một nền kinh tế và chắc chắn xảy ra tại nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam.
Do đó, chúng ta không nên quá e ngại vào con số tuyệt đối của nợ công mà phải nhìn vấn đề nợ công trong bối cảnh tổng thể có so sánh với tăng trưởng GDP hoặc thanh khoản cũng như khả năng trả nợ ra sao. Đặc biệt, cần tính đến khả năng trả nợ trên số nợ công. Đây mới là yếu tố cần quan tâm, thay vì chỉ nhìn vào con số 4 triệu tỷ đồng, bởi con số này không phản ánh đầy đủ tất cả các vấn đề khi nói đến nợ công.
Trên thực tế, tỷ lệ nợ công đang giảm đi từng năm, nhưng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng lên. Nguyên nhân có thể do huy động vốn trước đây của chúng ta chưa được phân bổ đều nên dẫn đến các tỷ lệ nợ công ở từng giai đoạn khác nhau.
Năm 2021 là năm cao điểm trả nợ, chính vì vậy, kế hoạch huy động vốn trước đây phải tính đến việc làm thế nào để giải quyết nguồn nợ ra.
Nếu chúng ta phân bổ không đều, dồn vào một thời điểm để trả nợ sẽ dẫn đến gánh nặng trả nợ của một năm nào đó bị tăng cao và dẫn tới khó khăn cho Chính phủ. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng cần có chính sách vay và trả nợ công dài hạn.
Khi chúng ta có tỷ lệ nợ công thấp thì nên tính đến phương án huy động nguồn tiền ở bên ngoài để các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước vay ngoài để tự đầu tư kinh doanh. Như vậy sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với sử dụng nguồn vốn FDI và tạo ra được cạnh tranh từ chính sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp): Không để áp lực nợ công hạn chế đầu tư phát triển
Về nợ công hiện nay, dù trong 5 năm qua chưa vượt trần thì đó là tín hiệu rất vui, nhưng mức độ dưới trần của chúng ta hiện không phải nhiều. Trong khi đó, câu chuyện nợ công là năm nay trả nợ, năm sau lại vay, nên áp lực trả nợ công của Chính phủ vẫn lớn.
Vấn đề là chúng ta xử lý, quản lý nợ công trong đầu tư phát triển phải thật khách quan, phải có trọng tâm và trọng điểm. Việc này đặt ra vấn đề phải kêu gọi xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước đầu tư tham gia vào các dự án phát triển.
Muốn vậy, Chính phủ, địa phương và các bộ, ngành cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, không phải trải thảm “đỏ” mà là trải thảm “vàng” cho các nhà đầu tư về thủ tục đăng ký đầu tư; thực hiện dự án cần cơ chế thoáng để vừa bảo đảm thu hút đầu tư, vừa thực hiện theo quy định pháp luật.
Tôi cho rằng, việc nợ công giảm, gánh nặng trả nợ chưa thể nói là gây rủi ro cho nền tài chính. Hiện, ngành tài chính đã có tính toán kỹ, hàng năm được trích một phần ngân sách để trả nợ công.
Vấn đề đáng lo ngại nhất là như năm 2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện, thu ngân sách không bảo đảm, hụt thu cao mà vẫn bảo đảm trần nợ công. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này thì vấn đề nợ công và trả nợ công mới đáng lo và trở nên khó khăn cho Chính phủ. Trong phương án khả quan, dịch COVID-19 được kiểm soát thì thu ngân sách tăng, trả nợ công sẽ được đảo đảm.
Hiện, áp lực trả nợ công của chúng ta chịu tác động của nợ công Chính phủ và nợ công doanh nghiệp. Vấn đề trả nợ công phải rõ ràng, của Chính phủ hay doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh, Chính phủ phải có đôn đốc các doanh nghiệp này trả nợ.
Về phía các địa phương, ngoài nợ công Chính phủ, đối với vay vốn ODA cũng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Khi nhiều nguồn cùng đóng góp vào việc trả nợ công thì vấn đề sẽ được kiểm soát.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cân đối vấn đề trả nợ công và đầu tư phát triển, không nên đặt áp lực quá lớn trong việc trả nợ công mà hạn chế chi trong việc đầu tư phát triển khác.
Nếu chúng ta bảo đảm trả nợ công năm trước thì năm sau chúng ta lại có thể vay. Đến một thời điểm, nợ công giảm, đây sẽ trở thành khoản tiền gối đầu đề đầu tư phát triển, trong khi nguồn lực trong nước còn hạn chế.