Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2014:

Kiên trì đấu tranh bằng mọi biện pháp

Vấn đề Biển Đông được đặc biệt quan tâm tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra chiều ngày 29/5. Sau khi thông báo tóm tắt về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đề cập tới tình hình diễn biến trên Biển Đông, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam.


Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 3411 cắt mũi tàu Cảnh sát biển 8003 của Cảnh sát Biển Việt Nam, lúc 8h30 ngày 16/5/2014. Ảnh: Công Định-Hữu Trung/TTXVN


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trước tình hình sục sôi nhất trong tháng 5 vừa qua là việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, chúng ta đã bày tỏ lòng yêu nước của mình trên mọi lĩnh vực.


Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại kỳ họp lần thứ 9, đã nghe, thảo luận, bày tỏ về vấn đề này. Ngay bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ: Tình hình biển Đông đang phức tạp, tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đoàn kết một lòng, cả nước một lòng, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời cố gắng giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để xây dựng phát triển đất nước. Tại kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định một lần nữa đối với tình hình và Quốc hội cũng đã phát đi thông điệp về vấn đề đó. Chủ tịch nước cũng đã đến tận điểm nóng để xem, nghe, chỉ đạo, chia sẻ, bày tỏ quan điểm rất rõ ràng lập trường xuyên suốt dưới sự chỉ đạo của Đảng.


Còn hoạt động của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng đã có phát biểu khi đi công tác nước ngoài, còn trong nước liên tục chỉ đạo bằng nhiều kênh, nhiều biện pháp và chỉ đạo mọi lúc mọi nơi. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên tại phiên họp Chính phủ lần này, Chính phủ đã nghe, thảo luận, thống nhất, kết luận tiếp tục kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đồng thời chúng ta kiên nhẫn thực hiện mọi hành động chân thành để giữ tình hình hữu nghị chung giữa 2 nước. “Dân tộc đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên càng mong muốn được hòa bình ổn định nhưng sẽ kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền”, Bộ trưởng nói.


Báo Tin Tức xin trích đăng trả lời phỏng vấn báo chí của Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cùng đại diện các bộ, ngành xung quanh vấn đề Biển Đông:


* Cân nhắc thận trọng sử dụng biện pháp pháp lý


Chính phủ có tính đến sử dụng biện pháp pháp lý để kiện Trung Quốc hay không và đã làm những gì để chuẩn bị việc này?


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Hiện nay, những biện pháp như chuẩn bị hồ sơ thì đã chuẩn bị từ lâu nhưng để thực hiện nó như thế nào và vào lúc nào thì Chính phủ sẽ cân nhắc thận trọng. Khi khởi kiện ra Tòa án Pháp lý hay Trọng tài Quốc tế… ngoài hồ sơ pháp lý còn có những khía cạnh khác. Do vậy, trong lúc này Chính phủ đang cân nhắc, tính toán, lựa chọn, thời điểm hoặc giải pháp thật sự cần thiết. Hiện nay, các biện pháp đều đang tính toán và cân nhắc nên chưa thể trả lời cụ thể lúc nào và khi nào sẽ làm điều này. Nếu Trung Quốc chịu ngồi lại đàm phán và thực hiện các yêu cầu của chúng ta một cách chân thành thì tình hình có thể khác.


Thủ tướng có thông điệp với báo chí nước ngoài “không đổi chủ quyền lấy thứ hữu nghị viễn vông”. Tại phiên họp Chính phủ lần này, thông điệp này có được nhắc lại hay không?


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tất cả người dân khi đất nước cần thì đều thể hiện lòng yêu nước, lãnh đạo càng phải thể hiện mình. Hai lần ra nước ngoài vừa qua, Thủ tướng đều chỉ đạo chọn lựa người có khả năng tiếp cận bạn bè quốc tế để thực hiện sứ mạng bày tỏ thái độ đấu tranh quyết liệt.Hồ Chí Minh đã dạy: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái bất biến của Việt Nam là độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không ai đụng tới được, không điều gì có thể đánh đổi được ở bất cứ thời điểm nào. Câu nói của Thủ tướng không mới, chỉ là thể hiện tinh thần xuyên suốt của Đảng ta, tỏ rõ thái độ của Chính phủ để cả thế giới biết đến quan điểm, lập trường, thái độ của đất nước chúng ta, đó là, chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng và Tổ quốc là trên hết.


Đối với việc sử dụng các biện pháp pháp lý, một nước có thể liên kết với nước khác để tăng cường khả năng pháp lý? Việt Nam có tính đến biện pháp này?


Ông Trần Duy Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia: Quan điểm chính sách của Việt Nam độc lập tự chủ, không liên minh liên kết với ai để đấu tranh với ai cả. Đấu tranh pháp lý là quá trình rất phức tạp. Bộ Ngoại giao đang nghiên cứu để tìm phương án tốt ưu nhất để bảo vệ cho được lợi ích chính đáng của chúng ta. Do đó, việc lựa chọn cơ quan nào để khởi kiện, kiện riêng theo vụ việc hay tham gia kiện chung đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu.


Chúng ta đã có những biện pháp gì để xử lý các đối tượng gây rối tại các địa phương thời gian qua. Và, cần có biện pháp gì để xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư?


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Việc người dân biểu tình để thể hiện lòng yêu nước là chính đáng và đáng trân trọng nhưng manh động, vượt quá sự kiểm soát là không thể chấp nhận được. Bộ Công an đã nhanh chóng vào cuộc và bắt giữ hàng ngàn người tham gia các vụ gây rối tại các địa phương. Sau đó, các lực lượng chức năng đã thanh lọc để tìm ra đâu là đối tượng cần xử lý hành chính, đâu là đối tượng cần xử lý hình sự. Các cơ quan chức năng sẽ xử lý các đối tượng vi phạm một cách đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.


* Sớm ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển


Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có dự thảo Nghị định về hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển trình Chính phủ. Tại đây, có ưu đãi cụ thể gì, nhất là về lãi suất đối với ngư dân?


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tại phiên họp Chính phủ lần này, các thành viên Chính phủ nhất trí chủ trương về việc cần nhanh chóng bổ sung để sớm ban hành Nghị định về hỗ trợ ngư dân bám biển. Theo đó, Nhà nước sẽ cho vay ưu đãi để phát triển đội tàu sắt đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, nguồn vốn cho ngư dân bám biển là có nhưng cơ chế cho vay không hiệu quả nên nông dân ngại vay. Với Nghị định mới, dự kiến lãi suất cho vay là 3 %, thời hạn cho vay 10 năm. Nhà nước cũng sẽ có những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt để trong trường hợp có rủi ro khách quan thì ngư dân không bị thiệt hại và yên tâm đánh bắt và bảo vệ chủ quyền.


Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có kiến nghị Chính phủ phải tổ chức đội tàu hậu cần nghề cá để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ hiệu quả hơn. Chính sách này có được đưa vào các gói hỗ trợ ngư dân không?


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đây là việc Chính phủ không bàn trực tiếp tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng này nhưng theo tôi những việc gì có lợi cho Tổ quốc và đất nước thì đều được khuyến khích.


Gói hỗ trợ ngư dân và ngành thủy sản vừa trình Chính phủ có tổng kinh phí hỗ trợ là bao nhiêu?


Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Bộ NN&PTNT đã làm theo các bước cần thiết để trình Chính phủ Nghị định trên. Nhưng hiện vẫn chưa thể công bố con số kinh phí dự kiến là bao nhiêu mà còn chờ Chính phủ có ý kiến chính thức?


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Phải tính toán đối tượng thụ hưởng cụ thể hơn thì mới làm rõ được kinh phí.


* Không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vĩ mô


Tác động của tình hình Biển Đông tới kết quả kinh tế Việt Nam năm nay ra sao?


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tổng cầu, dư nợ tín dụng tăng chậm, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.


Chính phủ tiếp tục tinh thần quyết liệt, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, trong đó có tác động do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Không để những khó khăn, thách thức này ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.


Chúng ta có tính đến những thay đổi về hợp tác thương mại, đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam?


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nên hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam - Trung Quốc là hoàn toàn tự nhiên trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc; đồng thời Việt Nam đang triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, mở rộng thị trường, đàm phán và tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác tác mới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới.


Việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả các đối tác trên thế giới nhằm giảm rủi ro, lệ thuộc của Việt Nam vào một thị trường nhất định, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Không phải đến khi có vụ việc Biển Đông mới tính đến việc nhập siêu từ Trung Quốc. Để giảm nhập siêu và quá phụ thuộc vào một thị trường thì cần có những chính sách căn cơ để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, doanh nghiệp phải tăng sản xuất hàng hóa nguyên phụ liệu .Bên cạnh đó, có nhiều mặt hàng Việt Nam sản xuất có chất lượng tốt chưa được ưu tiên sử dụng thì cũng cần kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước để biểu thị tinh thần yêu nước.


Thu Hường (thực hiện)

Cân nhắc đấu tranh bằng pháp lý vụ giàn khoan Trung Quốc
Cân nhắc đấu tranh bằng pháp lý vụ giàn khoan Trung Quốc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục công khai với dư luận và cộng đồng quốc tế về các hành vi sai trái, ngang ngược của Trung Quốc một cách trung thực, khách quan thông qua các kênh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN