Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại phiên thảo luận, có 27 đại biểu phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn; bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của Tờ trình. Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau như: phạm vi sửa đổi của dự án Luật; lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; việc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; về thành lập Ban soạn thảo từ khi có đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; về văn bản quy định chi tiết; vấn đề hợp nhất văn bản; về thời gian của các công đoạn xây dựng luật và trách nhiệm các chủ thể; về hiệu lực hồi tố của văn bản quy phạm của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Quốc hội.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Thư viện. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thư viện, kết quả như sau: i) Về Điều 5, quy định chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện, có 439 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 90,89%); trong đó, có 435 đại biểu tán thành (bằng 90,06%). ii) Về Điều 9, quy định các loại thư viện, có 443 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91,72%); trong đó, có 434 đại biểu tán thành (bằng 89,86%). iii) Về toàn bộ dự thảo Luật, có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,34%); trong đó, có 442 đại biểu tán thành (bằng 91,51%).
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, 20 đại biểu đã phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên nhằm tạo hành lang pháp lý cho thanh niên - một lực lượng xã hội to lớn và là nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc, trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo, bảo vệ Tổ quốc.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: tên gọi, bố cục, mục tiêu của Luật; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; độ tuổi của thanh niên; chiến lược quốc gia về phát triển thanh niên; quyền và nghĩa vụ của thanh niên; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên có tài năng, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; cơ chế phối hợp giữa Đoàn thanh niên với các tổ chức trong công tác thanh niên; chủ thể có trách nhiệm đối thoại với thanh niên; Ủy ban Quốc gia về thanh niên; kỹ thuật lập pháp; xử lý vi phạm.
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Thứ sáu, ngày 22/11/2019, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tiếp theo, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm và phê chuẩn việc miễn nhiệm trên.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Biểu quyết thông qua Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.