Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 3 điều, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai; bổ sung một số loại hình thiên tai; điều tra cơ bản trong phòng, chống thiên tai; kế hoạch phòng, chống thiên tai; việc hình thành Quỹ Phòng, chống thiên tai và quy định quản lý thu chi của Quỹ; thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; quy định với cấp phép nạo vét luồng lạch đối với đê từ cấp III trở lên và việc sử dụng bãi nổi, cù lao.
Thêm loại hình thiên tai
Cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai đặc thù. Trong văn bản dưới luật, ở nội dung về cấp độ rủi ro thiên tai, Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở cấp độ nào sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống thiên tai.
Đại diện cho cơ quan thẩm tra, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, đối với cháy rừng thì có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai. Việc phòng, chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành về lâm nghiệp, về phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài nên nguy cơ cháy rừng ở nhiều tỉnh/thành phố của nước ta luôn ở mức độ cao (cấp IV - nguy hiểm, cấp V - đặc biệt nguy hiểm), xảy ra trên diện rộng. Thực tế, các vụ cháy rừng lớn đều có nguyên nhân từ nắng nóng kéo dài và có tính chất nghiêm trọng. Việc khống chế các vụ cháy này đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; phải sử dụng bộ máy của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để ứng phó.
Trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng kéo dài, hạn hán có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng càng cao; đe dọa đến tính mạng, tài sản hơn 9 -10 triệu người dân sinh sống ở trong rừng, ven rừng và gây ra nhiều hệ lụy khác. Do vậy, cháy rừng ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng chống, kiểm soát, huy động nguồn lực, tăng cường công tác chỉ đạo.
Quy định như vậy cũng sẽ khắc phục được hạn chế của Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy và chữa cháy khi cháy rừng ở quy mô lớn, do tác động bất lợi của tự nhiên, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng chuyên ngành, phải huy động hỗ trợ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Cần thiết thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương
Qua thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 và Phiên họp 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm tới Quỹ phòng, chống thiên tai.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết trong thảo luật, Thường trực Ủy ban chỉ rõ, Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành chỉ quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở cấp tỉnh là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai ở địa phương và chưa quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương.
Thực tiễn phòng, chống thiên tai cho thấy, ở tại các địa phương mà thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ này lớn nhưng nguồn thu của Quỹ lại thấp, ngược lại một số địa phương ít có thiên tai thì lại có kết dư Quỹ lớn. Do vậy, cần có cơ chế điều tiết giữa các Quỹ ở cấp tỉnh. Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống thiên tai và được quốc tế đánh giá cao trong phòng, chống thiên tai, nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Luật trình Quốc hội đã quy định rõ về nguồn tài chính của Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương; nguyên tắc hoạt động của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch và tránh chồng chéo.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương là cần thiết để tiếp nhận, sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế; đồng thời đề nghị cần quán triệt nguyên tắc không phát sinh thêm đơn vị, tổ chức, biên chế khi một Luật có hiệu lực. Tán thành việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nội dung ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng, chống thiên tai cần ghi được khoản riêng trong dự thảo luật.
Vấn đề này Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại 63 tỉnh, thành đều có quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. Nguồn quỹ trung ương là nơi tiếp nhận nguồn tài trợ, viện trợ khẩn cấp của quốc tế trong trường hợp nước ta xảy ra thiên tai. Do vậy, thiết kế quỹ trung ương không trùng lặp với cấp tỉnh, việc sử dụng quỹ nhanh nhất, hiệu quả nhất, bên cạnh việc thành lập bộ phận chuyên trách nhưng không hình thành bộ máy mới.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thống nhất và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đối với toàn cầu nói chung, đối với từng người dân Việt Nam nói riêng.