Ôn lại lịch sử các dây 50 năm, Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức Nguyễn Văn Tỉnh khẳng định: Cách đây nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, quân và dân quận Hiệp Đức (nay là huyện Hiệp Đức) đã tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương. Bước sang năm 1972, cục diện chiến trường miền Nam có nhiều diễn biến thuận lợi, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tổng công kích trên toàn chiến trường miền Nam. Khu ủy và Quân khu 5 quyết định mở Mặt trận ở Tây Bắc Quảng Nam và Tây Nam Quảng Đà nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Dưới sự chỉ huy của Quân khu 5, lực lượng du kích, bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực đã tiến công, truy kích, đánh địch bật ra khỏi căn cứ. Đến 0 giờ, ngày 30/4/1972, quân ta làm chủ quận lỵ và Hiệp Đức hoàn toàn được giải phóng, trước ngày miền Nam giải phóng tròn 3 năm.
Đây là một trong số ít khu vực được giải phóng đầu tiên ở miền Nam lúc bấy giờ. Sự kiện này đã ảnh hưởng lớn đến tình hình trên chiến trường Quảng Nam và cả khu 5, đập tan cánh cửa phòng thủ của địch ở Tây Quảng Nam, tạo điều kiện củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Từ đây Hiệp Đức trở thành căn cứ vững chắc cho cả chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà, và căn cứ kháng chiến sau cùng của Khu ủy 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trải qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, Hiệp Đức luôn là chiếc nôi của phong trào cách mạng. Mảnh đất này đã đóng góp nhiều công sức, máu xương vì sự nghiệp cách mạng. 421 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 1.578 liệt sỹ, 461 thương bệnh binh và hàng ngàn gia đình có công… đã tô thắm truyền thống của quê hương cách mạng.
Sau 50 năm giải phóng, Hiệp Đức từ một huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, đã từng bước vươn lên với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Giai đoạn 2015 - 2020, địa phương này có giá trị sản xuất tăng bình quân 8,75%/năm; thu nhập bình quân hơn 37 triệu đồng/người/năm; một nửa số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 6 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 7,39%, giảm hơn 10 lần so với ngày đầu thành lập huyện. Cơ sở hạ tầng các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường đầu tư.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ghi nhận những cố gắng của các thế hệ lãnh đạo, quân và dân huyện Hiệp Đức trong những năm qua, đưa Hiệp Đức từ huyện thuần nông sau giải phóng đã từng bước tái thiết vươn lên với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, huyện Hiệp Đức cần huy động tối đa nội lực, tranh thủ các nguồn đầu tư để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung, liên kết vùng, tập trung phát triển Hiệp Đức thành trung tâm công nghiệp chế biến chung cho phía tây Quảng Nam; liên kết các địa phương lân cận để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử.