Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam về sự kiện trên cũng như mối quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc với Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện tại và tương lai.
Chất lượng y tế của Việt Nam rất tốt
Thưa ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào việc mới đây Việt Nam tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 là nhân viên Liên hợp quốc theo cơ chế MEDEVAC?
Tôi cho rằng đây là một thành tựu mang tính lịch sử và cũng rất quan trọng bởi nhiều lý do. Ngay thời điểm để thực hiện hoạt động này cũng mang tính lịch sử. Việt Nam từ trước tới nay vẫn được nhìn nhận là một nước sẽ cần phải đưa bệnh nhân nặng sang các nước khác theo cơ chế MEDEVAC như Singapore hay Thái Lan. Nhưng đây là lần đầu tiên, Việt Nam tiếp nhận bệnh nhân từ nước ngoài vào điều trị theo cơ chế MEDEVAC và đặc biệt nó diễn ra trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành.
Một trong những lý do để Liên hợp quốc đề nghị Việt Nam hỗ trợ cho trường hợp MEDEVAC này là bởi Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc phòng, chống dịch COVID-19 và có một số lượng ca nhiễm thấp, đồng thời có khả năng dành giường bệnh hồi sức tích cực để tiếp nhận bệnh nhân nặng. Hơn nữa, thông qua đợt đại dịch này, Việt Nam cũng đã thể hiện rất rõ chất lượng dịch vụ y tế rất tốt của mình. Với những lý do như vậy, chúng tôi rất tin tưởng khi đưa một bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC đến đây điều trị, và bệnh nhân đó đã được hưởng chất lượng dịch vụ y tế mong muốn, đáp ứng đúng yêu cầu.
Một lý do nữa mang tính lịch sử là hoạt động này diễn ra đúng vào tháng Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ở thời điểm tôi thay mặt cho Liên hợp quốc đề nghị với Chính phủ Việt Nam hỗ trợ thì cũng đúng lúc Việt Nam đang làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và chủ trì một số phiên họp của Hội đồng Bảo an từ Hà Nội.
Thêm nữa, hoạt động này cũng mang tính lịch sử vì ngày chúng tôi thực hiện việc đưa bệnh nhân vào Việt Nam điều trị lại trùng hợp là ngày Việt Nam kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/2021.
Như vậy, có rất nhiều lý do để thấy rằng sự kiện này mang tính lịch sử và tôi rất hy vọng những hoạt động tương tự sẽ được tiếp tục trong tương lai.
Việc Việt Nam tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhân COVID-19 là nhân viên Liên hợp quốc được cho là một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và Việt Nam trong ứng phó đại địch. Vậy xin ông cho biết bước tiến mới này sẽ mở ra những hướng hợp tác mới nào giữa hai bên?
Như tôi đã nêu ở trên, hoạt động cấp cứu bệnh nhân trong khuôn khổ cơ chế MEDEVAC vừa qua của Việt Nam có tính lịch sử. Đây là một cột mốc mới, thành tựu ghi dấu ấn trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, đồng thời khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực, với tư cách là một quốc gia có thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân ở các nước đến theo tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế. Điều này rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi tiếp tục thảo luận với Chính phủ Việt Nam về việc đưa đất nước các bạn trở thành điểm đến quan trọng và tiềm năng cho những trường hợp MEDEVAC trong tương lai, với quan điểm xem xét từng trường hợp cụ thể và giữa bối cảnh COVID-19. Nếu Chính phủ Việt Nam mong muốn thì tôi cho rằng đất nước các bạn cũng hoàn toàn có thể tiếp nhận các trường hợp MEDEVAC không chỉ mắc COVID-19 mà còn mắc các bệnh khác nữa trong khu vực Đông Nam Á của Liên hợp quốc.
Một lần nữa, tôi xin nhắc lại đây là một việc làm rất có nhiều ý nghĩa và có tiềm năng rất tốt cho Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những thảo luận với Chính phủ Việt Nam về nội dung này.
Cung cấp những hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam chống dịch
Liên hợp quốc và các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc ở Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác với Chính phủ và cơ quan chức năng Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Xin ông có thể đưa ra những đánh giá khái quát về mối quan hệ hợp tác này trong thời gian qua?
Quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan Liên hợp quốc cho đến lúc này đang diễn ra rất tốt và hiệu quả. Tôi cho rằng cả hai bên đều nhìn nhận thấy vai trò quan trọng của đối tác mà mình đang hợp tác. Tất nhiên ở đây Chính phủ Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo quan trọng.
Về vai trò của Liên hợp quốc, trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh bắt đầu lây lan vào năm 2020, Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc - đã hỗ trợ Việt Nam về mặt kỹ thuật như xét nghiệm, chất lượng của các xét nghiệm, giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh, đưa ra những thông điệp truyền thông mà tôi cho là rất thành công.
Trong giai đoạn 2, năm 2021, trọng tâm hoạt động của chúng tôi là hỗ trợ Việt Nam xây dựng và thực hiện chiến lược về tiêm vaccine. Đây là ưu tiên hàng đầu. Tất cả chúng ta đang cùng nhau nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến lược về tiêm vaccine.
Có thể nói, cho đến trước ngày 17/6/2021 – là ngày Nhật Bản viện trợ song phương cho Việt Nam gần 1 triệu liều vaccine – Liên hợp quốc là một trong những nguồn cung cấp vaccine chính và nhiều nhất cho Việt Nam. Tổng cộng đã có khoảng 2,9 triệu liều vaccine được vận chuyển đến Việt Nam, trong đó Liên hợp quốc thông qua cơ chế COVAX (Cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19" – PV) đã đóng góp 2,5 triệu liều (trong tổng số ,9 triệu liều sẽ cung cấp miễn phí cho Việt Nam - PV).
Thời gian tới, Liên hợp quốc, Văn phòng Điều phối viên thường trú của tôi và các tổ chức khác, đặc biệt là Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) – tổ chức dẫn đầu về tiêm chủng vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức khác sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong cung ứng và kiểm soát chất lượng, an toàn của vaccine.
Như vậy, trong cả hai năm, 2020 và 2021, Liên hợp quốc đều đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chống lại đại dịch COVID-19 này. Và đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc khoanh vùng và khống chế sự lây nhiễm của dịch bệnh. Mặc dù hiện nay chúng ta đang ở trong làn sóng lây nhiễm thứ tư COVID-19 với mức độ nhanh, mạnh, có số lượng ca nhiễm mới và tử vong tăng cao hơn so với ba đợt bùng phát dịch trước nhưng nếu xét trên bình diện toàn cầu thì những con số về số ca nhiễm mới cũng như là số tử vong của Việt Nam vẫn còn ở mức rất thấp so với các quốc gia khác.
Hiện nay, theo tôi, lĩnh vực mà Việt Nam cần làm tốt hơn nữa chính là việc tiêm phòng vaccine cho toàn dân, bởi suy đến cùng, chúng ta không thể khống chế thành công dịch bệnh nếu không có vaccine. Chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để có thể hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng mang đến cho Việt Nam một lượng vaccine đủ để có thể thực hiện tiêm chủng cho 20% dân số Việt Nam vào cuối năm nay.
Hiện nay, Việt Nam phải đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với nhiều ca lây nhiễm trên diện rộng và tử vong. Xin ông cho biết Liên hợp quốc đã và đang có những hỗ trợ gì để giúp Việt Nam vượt qua đợt bùng phát dịch này?
Đợt bùng phát dịch thứ tư này là lớn nhất và phức tạp nhất. Gần 3/4 số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Việt Nam từ đầu dịch bùng phát cho đến nay là kết quả của việc lây nhiễm của đợt bùng phát dịch này (kể từ ngày 27/4). Rõ ràng, với Việt Nam, đây là đợt dịch rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, nếu xét trên bình diện toàn cầu, nhìn ra các nước xung quanh, thì quy mô cũng như những con số của đợt dịch này vẫn là tương đối nhỏ. Số người nhiễm, tử vong vẫn là thấp so với các nước xung quanh với quy mô dân số 98 triệu dân Việt Nam. Đa số những người tử vong là những người đã có bệnh nền từ trước.
Về tổng thể, Việt Nam đã thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 rất tốt. Những biến chủng virus mới có thể lây nhiễm nhanh hơn, nhưng phần lớn đã bị chặn đứng, ví dụ như các điểm nóng ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, mặc dù vẫn còn đó những diễn tiến đáng lo ngại và khó lường ở TP Hồ Chí Minh.
Vai trò của Liên hợp quốc vẫn là thực hiện tốt những hỗ trợ mà tôi đã để cập ở trên nhưng ở giai đoạn này, chúng tôi muốn đẩy mạnh cùng lúc hai loại hỗ trợ. WHO sẽ đẩy mạnh việc cung cấp các tư vấn kỹ thuật về xét nghiệm, giám sát các tiêu chuẩn về y tế và các thông điệp truyền thông; trong khi UNICEF đóng vai trò chủ đạo trong việc đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam. Như tôi đã đề cập, Việt Nam được nhận 2,5 triệu liều vaccine qua cơ chế COVAX và Việt Nam cần phải tăng tốc để có thể tiêm vaccine cho nhiều đối tượng hơn.
Chúng tôi đang cố gắng và có lẽ Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế duy nhất, có thể thực hiện được những vai trò như thế. Không có một tổ chức quốc tế nào khác có thể có những hỗ trợ vừa về mặt y tế, chăm sóc sức khỏe đến cung cấp vaccine an toàn cùng một lúc như vậy.
Xin trân trọng cảm ơn ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam!