Luật Biên phòng góp phần nâng cao vị thế của Bộ đội biên phòng

Hôm nay (16/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Biên phòng, bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trả lời nhanh phóng viên báo Tin tức xung quanh những điểm mới trong Luật Biên phòng.

Xin Thiếu tướng cho biết những điểm mới trong Luật Biên phòng lần này?

Luật Biên phòng lần này được Chính phủ và Ban soạn thảo, mà trực tiếp là cơ quan Bộ Quốc phòng chuẩn bị khá chu đáo và công phu. Qua nghiên cứu, tôi thấy nếu Luật Biên phòng được thông qua sẽ khẳng định vị thế, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng (BĐBP) trên hai tuyến biên giới đất liền và biên giới biển.  

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức.

Thứ nhất, trên hai tuyến biên giới, khẳng định rõ chức năng của BĐBP, lực lượng trực tiếp giữ gìn an ninh biên giới và đảm bảo tốt hơn nữa về nhiệm vụ phòng thủ đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cho chúng ta chủ động về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Thứ hai, khẳng định rõ hơn nữa về vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các bộ, ngành và các địa phương có tuyến biên giới.

Thứ ba hết sức quan trọng là xác định vị thế của BĐBP. BĐBP đã hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ năm 1959 tiền thân là Công an vũ trang, qua nhiều năm xây dựng lực lượng BĐBP ngày càng vững mạnh, thành tích và những cống chiến của BĐBP càng lớn. Nhưng BĐBP hiện mới chỉ có Pháp lệnh Biên phòng, bây giờ xây dựng thành Luật Biên phòng càng khẳng định vị trí quan trọng của BĐBP. Đây là lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tham mưu xây dựng thế trận biên phòng và thực hiện nhiệm vụ biên phòng mà trong Chương II của Luật Biên phòng đã đề cập. Thực tế, trong nhiều năm qua, BĐBP đã làm điều này và làm rất tốt.

Thứ tư là khẳng định vai trò của BĐBP với sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng, trong đó vừa là lực lượng chuyên trách và là lực lượng nòng cốt. Chuyên trách là khi làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu, còn nòng cốt là khi xây dựng thế trận an ninh biên giới. Cái này cũng cần phải phân tích rõ, vì nhiều người chưa hiểu. Bởi đã là chuyên trách thì chuyên sâu vào một lĩnh vực, nhưng nòng cốt là ở tất cả các nội dung. Trong đó xây dựng biên phòng ở tuyến biên giới biển và đất liền rất quan trọng.

Vấn đề nữa là khi đã có Luật Biên phòng thì địa vị pháp lý, tức là những chính sách về tiềm lực, về cơ sở vật chất, về lực lượng thực hiện nhiệm vụ biên phòng... Rồi chính sách về xây dựng từng bước, từng giai đoạn về chiến lược bảo vệ tuyến biên giới của chúng ta.

Và đặc biệt là những chính sách cụ thể để làm thế nào hỗ trợ cho những người cán bộ, chiến sĩ biên phòng trực tiếp sống và làm việc nơi biên giới. Vì ở những tuyến này thường là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Cho nên Luật Biên phòng đã đáp ứng được yêu cầu và khi Luật được thông qua qua nó sẽ đồng bộ với hệ thống pháp luật, đồng bộ với Hiến pháp, với các Bộ Luật trước đây mà chúng ta đã ban hành. Ví dụ như Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát biển, Luật Dân quân tự vệ, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật quân nhân chuyên nghiệp… Tất cả được đồng bộ để làm thế nào thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, thực hiện nhiệm vụ biên phòng nói riêng.

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội biên phòng Lào Cai cùng nhân dân địa phương tuần tra, kiểm tra đường mòn, lối mở nơi biên giới.

Có ý kiến cho rằng, trong Luật Biên phòng có điểm chồng chéo nhiệm vụ giữa lực lượng hải quan và biên phòng, Thiếu tướng có đánh giá gì về ý kiến này?  

Trong Điều 14, Chương 4 có quy định nhiệm vụ của BĐBP có đề cập là biên phòng được kiểm soát hàng hóa, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Quan điểm của tôi, điều này rất là đúng, bởi biên phòng cùng với kiểm soát liên ngành như hải quan, công an..., biên phòng cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính khi có tin hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm của tội phạm thì biên phòng là người chủ trì trực tiếp kiểm tra.

Tại sao tôi nói điều này, vì biên phòng là người được trang bị vũ khí, là lực lượng vũ trang. Những người chủ trì, nói rõ hơn là chủ trì bảo vệ an ninh chính trị ở biên giới thì anh được kiểm tra người, phương tiện và hàng hóa cũng là nhiệm vụ BĐBP.

Ở đây tôi xin lưu ý lại, hàng hóa ở đây không phải là đại trà, mà là khi có dấu hiệu vi phạm của tội phạm, lực lượng biên phòng sẽ kiểm tra và vừa qua biên phòng đã làm rất tốt. Ví dụ như khi phát hiện những đối tượng buôn bán ma túy, buôn bán các loại động vật hoang dã quý hiếm như ngà voi, sừng tê giác, các loại hàng hóa không bảo đảm thì tôi thấy chỉ có BĐBP làm đúng chức năng và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ biên giới.  

Tôi khẳng định lại lần nữa là những hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về pháp luật, khi có tin tố giác thì biên phòng là người trực tiếp làm việc này. Ngoài ra BĐBP còn làm các hoạt động thông thương khác, không làm ảnh hưởng gì về việc hàng xuất nhập - khẩu và cũng không chồng chéo với hải quan.

Theo tôi nghĩ biên phòng có mặt ở cửa khẩu thì tăng thêm sự phối hợp cùng lực lượng hải quan cộng đồng thực hiện tốt chức năng của cả hai lực lượng.

Thưa Thiếu tướng, đại dịch COVID-19 vừa qua rất nghiêm trọng, một trong những lực lượng tham gia chống dịch nơi tuyến đầu là lực lượng BĐBP. Thiếu tướng có ghi nhận và đánh giá gì?

Dịch COVID-19 vừa qua, tôi nghĩ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó quân đội được giao nhiệm vụ hết sức nặng nề. Một là tổ chức các khu vực cách ly trên địa bàn cả nước, và chúng ta làm tốt cái này, đón tiếp công dân từ nước ngoài về đưa vào cách ly. Việc này Chính phủ giao cho quân đội. Đặc biệt là chúng ta có tuyến biên giới đất liền là rất quan trọng, tuyến giới biển ra vào ít cũng bớt lo nhưng tuyến biên giới đất liền chúng ta đề cao cảnh giác cao độ.

Nước ta tiếp giáp với biên giới Trung Quốc trên 3.000 km, trong đó có rất nhiều tỉnh của Việt Nam giáp danh với Trung Quốc (nơi phát sinh có dịch); rồi tuyến biên giới Lào, Campuchia, lượng lao động của chúng ta sang bên bạn làm việc khá lớn. Lực lượng BĐBP được giao nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở… và BĐBP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bởi các cửa khẩu chính thì lực lượng biên phòng đã làm chặt chẽ, đúng pháp luật; nhưng chúng ta còn có những cửa khẩu phụ, có những đường mòn, lối mở…, đặc biệt tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An… và dọc toàn tuyến biên giới. Khi có lệnh kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, BĐBP đã tổ chức tốt lực lượng, cùng với lực lượng dân quân, công an nhân dân làm nhiệm vụ, trong đó biên phòng là nòng cốt để duy trì, kiểm soát chặt chẽ.

Theo tôi nghĩ, có rất trường hợp lọt qua được biên giới, có thể có một vài trường hợp nhưng tôi nghĩ đó là rất ít.  

Kết hợp với công tác kiểm soát biên giới, BĐBP đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, và những trường hợp khi vượt qua biên giới vào đất liền được phát hiện kịp thời, đưa đi cách ly từ đó góp một phần ngăn chặn từ xa để phòng, chống dịch COVID-19.

Những hình ảnh BĐBP mắc võng, dựng lều bạt những vùng rừng núi hiểm trở không có điện, không nước rất vất vả vẫn bám trụ hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng BĐBP đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình làm nên thành công trong việc khống chế dịch COVID-19, mở rộng vị thế của BĐBP góp phần vào thắng lợi trong việc phòng chống thiên tai.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Luật Biên phòng có tầm chiến lược trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Luật Biên phòng có tầm chiến lược trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Luật Biên phòng Việt Nam có tầm đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là khẳng định của Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tại cuộc gặp mặt báo chí thông tin về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, tổ chức ngày 9/6 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN