Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 chương, 34 điều được xây dựng nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, Dự thảo Luật Biên phòng tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Bộ đội Biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thảo luận ở hội trường, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), sau 20 năm thi hành, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Để nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới cần ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phù hợp với thức tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế; xác định rõ trách nhiệm, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia.
Đại biểu Thanh Tùng nêu rõ, quy định tại Điều 5 về Nhiệm vụ biên phòng đã bám sát, cụ thể hóa một bước, có tính nguyên tắc của Luật Biên giới quốc gia và không chồng chéo mâu thuẫn. Đồng thời, khoản 6 Điều 5 bổ sung thêm cụm từ “đáp ứng yêu cầu đặc thù” sau cụm từ “phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội” và viết lại thành “sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đáp ứng yêu cầu đặc thù trên biên giới”. “Bổ sung này là để phân biệt sự quan trọng giữa các địa phương biên giới và địa phương khác”, đại biểu Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.
Các đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng trong Dự thảo Luật Biên phòng cần nêu bật vị trí của Bộ đội Biên phòng trong lực lượng vũ trang, bên cạnh đó cần làm rõ việc thực thi nhiệm vụ biên phòng ở những khu vực chưa có sự tham gia của Bộ đội Biên phòng như cảng hàng không... Đồng thời, cần rà soát thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan khác để có quy định thống nhất, làm rõ sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan. Dự thảo luật cũng cần tránh quy định lại những nội dung đã có trong các luật khác như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Hải quan, Luật Dân quân tự vệ, Luật Cảnh sát biển…
Nêu ý kiến về việc Dự thảo Luật quy định Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) băn khoăn: Trong Hiến pháp, Luật Công an nhân dân hiện đang quy định Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự - an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do đó, việc giao nhiệm cho Bộ đội Biên phòng nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và chống vi phạm pháp luật là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng quan điểm với đại biểu Võ Đình Tín, nhiều đại biểu khác cho rằng chỉ nên quy định theo hướng Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ phối hợp với Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc quy định nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng là kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định pháp luật có sự chồng chéo với thẩm quyền của Hải quan, dễ gây hiểu là Bộ đội Biên phòng kiểm soát toàn bộ người, phương tiện, hàng hóa. Bởi vậy, nên quy định theo hướng cụ thể về đối tượng kiểm soát.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cũng đề nghị Ban Soạn thảo cần cân nhắc việc quy định nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng là tổ chức quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia và tổ chức thực thi pháp luật về biên giới quốc gia, vì còn nhiều lực lượng có liên quan khác có trách nhiệm thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Biên phòng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng trong giai đoạn mới. Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, các nghị quyết và văn bản pháp luật hiện hành đều xác định Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì phối hợp với các lực lượng khác trong quản lý, bảo vệ, duy trì an ninh, trật tự tại biên giới, cửa khẩu quốc gia.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Quốc hội có thể sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để góp ý vào nội dung Dự thảo Luật. Các cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Dự thảo để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.