Biểu tượng của trang mạng xã hội Facebook. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại cuộc hội thảo, nhiều nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cho rằng, hiện trên thế giới và cả Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí biết sử dụng những thông tin rất "đắt" trên mạng internet như một nguồn tin. Song, để đảm bảo thông tin khách quan, chính xác, các phóng viên, biên tập viên cũng như lãnh đạo tờ báo phải đảm bảo việc kiểm chứng nguồn tin này như đối với các nguồn tin thông thường.
Các nhà báo nhận định nếu báo chí đóng vai trò khởi nguồn như một nguồn thông tin có độ tin cậy nhất định, thì mạng xã hội lại có thể thúc đẩy việc lan tỏa cảm xúc với tốc độ rất cao. Nhờ mạng xã hội, báo chí có thể tương tác với độc giả một cách nhanh chóng hơn là cách phát hành báo in truyền thống hay cạnh tranh với hàng triệu báo điện tử, trang tin điện tử hiện nay.
Chia sẻ về thực trạng báo chí, Tổng Biên tập báo Kiến thức và Khoa học Đời sống Nguyễn Minh Quang cho rằng: Đây là thời đại công nghệ thông tin và kỷ nguyên số, do vậy thế mạnh truyền thông sẽ thuộc phần lớn về không gian mạng. Trong đó mạnh mẽ nhất là mạng xã hội, báo điện tử, truyền hình và tương tác giữa truyền hình và điện tử, báo chí công dân. Báo giấy và tạp chí sẽ dần dần bị đào thải và thực tế đã chỉ rõ điều này.
Theo ông Quang, sự phát triển mạng xã hội là "như vũ bão". Tuy nhiên, mạng xã hội ngoài những mặt tích cực thì cũng bộc lộ những mặt trái. Biểu hiện rất rõ là các kiểu bài chứa nội dung phản động, đổi trắng thay đen, xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác… vi phạm pháp luật xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội và để lại những hậu quả không tốt trong dư luận.
Nhà báo Bùi Hoàng Tám, Báo Dân Trí cho rằng, mạng xã hội đã và đang là một “thế lực” truyền thông vô cùng mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội và là đối thủ khó lường đối với báo chính thống.
Tiến sĩ Phạm Thị Mỵ, Tổng Biên tập Báo Môi trường và Sức khỏe chia sẻ: Mạng xã hội xuất hiện đã “xã hội hóa” báo chí, khiến người người đều có thể làm báo, mang nguồn thông tin phong phú cho báo chí song cũng mang đến những hệ lụy nếu người làm báo không tỉnh táo trước "biển" thông tin. Làm báo trong thời đại facebook, các nhà báo cũng phải chuyển mình để giữ được đạo đức nghề nghiệp và vẫn theo kịp xu thế, đây là vấn đề mỗi nhà báo cần cân nhắc.
Mạng xã hội có lợi thế vượt trội mà báo chí không bao giờ có, bởi ai cũng có thể đăng tải thông tin, video clip mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ và ai cũng có thể trở thành “phóng viên”, “biên tập viên”, “bình luận viên”, “tổng biên tập”. Trong khi, phóng viên không thể tiếp cận ngay nhiều sự việc khi đang diễn ra, trừ một số rất hiếm hoi sự việc diễn ra vô tình có sự chứng kiến của phóng viên hay cộng tác viên cơ quan báo chí nào đó. Còn mạng xã hội có thông tin đa chiều, ngay lập tức.
Có thể nói, rất nhiều thông tin trên mạng xã hội là nguồn tin đối với báo chí, nhưng nếu không được kiểm chứng dễ dẫn đến hệ lụy là thông tin không chính xác, gây hoang mang trong dư luận, tòa soạn sẽ mất uy tín với độc giả. Bên cạnh đó, phóng viên bị lợi dụng trở thành “công cụ đưa tin”.