Bộ Nội vụ đã xây dựng một quy trình tuyển chọn chặt chẽ, minh bạch, đảm bảo tính công bằng giữa các ứng viên nhằm tuyển chọn những đội viên, thanh niên ưu tú, tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (14/5) tại Hà Nội.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: thanhtra.com.vn |
Rất khó xảy ra tiêu cựcThứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, khác với đề án 600 (Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học, tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo), dự án 500 tập trung tuyển chọn những đội viên ưu tú có trình độ đại học về làm công chức chuyên môn cấp xã, tập trung vào những vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc, miền núi.
Theo lộ trình, năm 2014, Bộ Nội vụ sẽ tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí 300 trí thức trẻ; năm 2015 sẽ tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí thêm 200 trí thức trẻ, bảo đảm đủ số lượng trí thức trẻ cho các xã khó khăn.
Đối tượng của Đề án là thanh niên dưới 30 tuổi, có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu bố trí và sử dụng của chính quyền cơ sở; có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch gia đình rõ ràng; đồng thời phải có sức khỏe tốt. “Đến nay, Bộ Nội vụ đã phê duyệt phân bổ 500 trí thức trẻ cho 163 huyện thuộc 34 tỉnh vào 5/7 chức danh công chức chuyên môn cấp xã”, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết thêm.
Cũng như đề án 600, tính khách quan, công bằng trong quá trình tuyển chọn ứng viên được đặt lên hàng đầu. TS Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) khẳng định, rất khó xảy ra tiêu cực bởi quy trình tuyển chọn từ tiếp nhận, tổng hợp, phân loại hồ sơ đến phỏng vấn… đều được triển khai rất chặt chẽ.
Theo đó, các đội viên có nguyện vọng tham gia đề án phải gửi hồ sơ về 2 nơi: Sở nội vụ và Bộ Nội vụ để cơ quan quản lý “khớp” số liệu. Sau quá trình tổng hợp và phân loại hồ sơ, mỗi địa phương sẽ tổ chức phỏng vấn để tuyển chọn đội viên. Song song với hội đồng tuyển chọn tại các địa phương, Bộ Nội vụ cũng sẽ thành lập các đoàn giám sát, hỗ trợ. Kết quả tuyển chọn sẽ được Bộ Nội vụ thẩm định lại rồi gửi danh sách về các địa phương để tỉnh phê duyệt và thông báo với thí sinh.
“Trong thời gian đào tạo 3 tháng cho các đội viên trước khi bố trí về xã, Đề án vẫn tiếp tục khâu lựa chọn, sàng lọc để đảm bảo chất lượng đầu vào”, TS Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.
Ông Minh cho biết thêm, để tạo cơ hội ngang nhau giữa các ứng viên, các đội viên có thể đăng ký dự tuyển tại địa phương mà mình không có hộ khẩu. “Chẳng hạn, bạn ở Thái Nguyên có nguyện vọng tham gia nhưng tỉnh không có nhu cầu thì có thể đăng ký tại Hòa Bình”, ông Minh nói.
“Đến nay, chưa có ý kiến nào phản hồi về tính công bằng, minh bạch trong tuyển chọn đội viên của Dự án 600, nên tôi tin Đề án 500 sẽ bảo đảm chất lượng với trách nhiệm cao ở các địa phương", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định.
Để bà con có bữa cơm no đủSau thành công của đề án 600, dự án 500 trí thức trẻ về làm công chức chuyên môn cấp xã tại các huyện nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ. Tại buổi tọa đàm, nhiều đoàn viên, thanh niên đã bày tỏ nguyện vọng của mình được cống hiến sức lực cho quê hương, đất nước.
Bạn Nguyễn Văn Dũng, quê ở Hưng Yên ứng tuyển vào vị trí địa chính xây dựng của huyện Kim Bôi, Hòa Bình cho biết, bên cạnh khả năng chuyên môn, việc đăng ký dự tuyển đề án 500 xuất phát từ mong muốn của chính bản thân mình. “Em đã có thời gian hơn 1 năm sống với bà con vùng cao nên hiểu được sự vất vả và nghèo khó nơi đây. Em đã quyết tâm phải làm cách làm đó để giúp đỡ họ. Em tình nguyện hy sinh bữa cơm đầy đủ của mình để bà con có bữa cơm no”, Dũng chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, bạn Vũ Thị Hường, tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học Công đoàn cho rằng, nguyện vọng được đem sức trẻ cống hiến cho quê hương là lý do chính khiến bạn quyết tâm đăng ký chức danh tư pháp hộ tịch tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. “Nhu cầu nhân sự có kiến thức về luật tại thành phố là rất lớn, nhưng sống một thời gian dài ở bãi ngang ven biển, em thấy hiểu biết về luật pháp của bà con rất hạn chế. Mình được đào tạo về chuyên ngành này thì tại sao lại không đem chính kiến thức đó để tuyên truyền, giúp đỡ người dân”, Hường tâm sự.
Tại buổi tọa đàm, nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ băn khoăn sẽ gặp khó khăn khi ý kiến, tiếng nói của mình với tư cách chỉ là một cán bộ trẻ sẽ hạn chế, nhất là khi nhiều cán bộ, công chức tại địa phương là những người lớn tuổi.