Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ với hành động liều lĩnh, manh động.
Vẫn còn nhiều vụ việc nổi cộm
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phạm Văn Tuân cho biết: Gần đây có rất nhiều vấn đề bức xúc, nhức nhối mà xã hội và cử tri quan tâm.
“Đó là vấn đề đầu tư chui, núp bóng, chuyển giá, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và tệ nạn ma túy, cờ bạc, tín dụng đen. Tình hình an ninh trật tự, tình trạng cháy nổ và tai nạn giao thông trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp. Nhiều vấn đề xã hội, đạo đức xuống cấp. Nhiều vụ việc trọng án do mâu thuẫn và bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em... cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần phải xem xét và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tình trạng trên”, đại biểu Phạm Văn Tuân kiến nghị.
Nhiều đại biểu cũng lo ngại về tình trạng bạo hành phụ nữ, xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em, bạo lực học đường, người chưa thành niên vi phạm pháp luật vẫn xảy ra. Tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cầm đồ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật gây lo lắng, bất an trong nhân dân.
Đơn cử là ngày 8/10/2019, Công an TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can năm người cho vay nặng lãi liên tỉnh, trong đó tạm giam bốn người.
Theo cơ quan điều tra, từ số vốn ban đầu cho vay khoảng 700 triệu đồng, sau hơn một năm hoạt động, số tiền đã tăng lên hơn 5 tỉ đồng, trong đó tiền lãi thu về là gần 2,5 tỉ đồng. Có khoảng 900 người đã vay tiền của nhóm này trong một năm qua tại ba địa phương là Bình Phước, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Hiện vẫn còn 200 người đang vay tiền từ nhóm này. Hàng trăm công nhân tại khu công nghiệp Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã bị nhiều đối tượng khống chế thu giữ thẻ ATM để trừ nợ tín dụng đen.
Nhiều vụ việc lừa đảo thủ đoạn tinh vi với số lượng hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn người là nạn nhân. Tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh bạc, tội phạm về ma túy với số lượng rất lớn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có sự tham gia của người nước ngoài và có dấu hiệu cấu kết của đường dây tội phạm xuyên quốc gia.
Đâu là nguyên nhân?
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Lê Thị Nguyệt cho rằng, thực tế cho thấy trẻ em và người chưa thành niên bị xao nhãng ngay trong gia đình, không có có cơ hội được sống chung với cha mẹ, sống trong gia đình có người thân vi phạm pháp luật, đặt ra vấn đề cần bảo đảm quyền của trẻ em và người chưa thành niên từ trong gia đình.
“Hiện nay, chưa có con số thống kê chính thức về tình trạng này, nhưng thực tế, do bố mẹ đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động, làm công nhân, làm nghề tự do tại các thành phố lớn, làm thêm giờ... không có điều kiện chăm sóc con đã gửi con sống cùng với ông bà hoặc người giúp việc gia đình. Do có sự cách biệt về tâm lý, quan điểm sống giữa các thế hệ và nhiều yếu tố khác đã tác động, ảnh hưởng xấu khiến một bộ phận trẻ em và người chưa thành niên không có cơ hội được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ một cách tốt nhất. Đây là một trong những nguyên nhân gia tăng số trẻ em tham gia tệ nạn xã hội, nghiện games và phát triển không lành mạnh hoặc phát triển không bình thường, trẻ em tự kỷ, rối loạn tâm thần, tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên và học sinh, sinh viên đang rất đáng quan tâm”, đại biểu Lê Thị Nguyệt cho hay.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền cho rằng: “Tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đã kéo dài nhiều năm, nhưng chậm phát hiện và khi phát hiện được thì chậm có giải pháp để xử lý và thiếu các biện pháp hiệu quả để giải quyết kịp thời”.
Điển hình như vụ việc Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Địa ốc Alibaba) và Nguyễn Thái Luyện (anh trai của Lĩnh, Chủ tịch Địa ốc Alibaba) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lập các dự án “đất ma” huy động vốn và lừa đảo, khoảng 6.700 khách hàng đã bị lừa với tổng số tiền 2.500 tỷ đồng, khiến cử tri hết sức băn khoăn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tăng cường quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, xử lý nghiêm đối tượng phạm tội.
Theo Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, một trong những giải pháp được Bộ Công an đề ra từ nay đến cuối năm là: Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nổi lên. Tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm giết người, mua bán người, xâm hại trẻ em; các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các đường dây, tổ chức buôn lậu, sản xuất hàng giả; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, đánh bạc; tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt điều tra. Nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra phòng ngừa các trường hợp bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Thực hiện tốt các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, tạo điều kiện thuận lợi để người bào chữa tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.