Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng ổn định, bền vững

Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp tục điều hành phiên thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Tại phiên thảo luận đã có 46 đại biểu phát biểu và 2 đại biểu tranh luận, nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng  Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu, việc thực thi chính sách khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, từ chủ trương, chính sách đến hành động của các cấp, các ngành đang có sự chuyển biến lớn, từ đó tác động mạnh đến việc phát triển khoa học công nghệ, làm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn hiện nay, từ chủ trương xuyên suốt, nhất quán đã có những giải pháp rõ ràng cụ thể, làm cho khoa học công nghệ đồng hành và sát hơn với các ngành, các cấp, từ đó sát hơn với thực tiễn kinh tế-xã hội đất nước. Cụ thể là các nghị quyết Trung ương từ tinh thần Đại hội XII đã làm rõ nội hàm khoa học công nghệ từ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân...

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian qua đặt ra yêu cầu phối hợp các cấp, ngành trong ứng dụng khoa học công nghệ, Bộ đã có những phối hợp với ngành nông nghiệp từ khâu giống, vật tư, chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ cao... Bộ cũng phối hợp với ngành giáo dục trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các trường đại học...

Giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm về giải pháp phát triển du lịch và xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Đảng luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo đầu tư phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu. Văn hóa từng bước trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển văn hóa hiện nay đứng trước nhiều thách thức, bất cập, vấn đề cần giải quyết. 

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp /TTXVN

Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đồng thời đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân, cộng đồng trong sáng tạo về văn hóa; phát huy sứ mệnh của văn học, nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ trong xây dựng đạo đức văn hóa; đầu tư tương xứng cho văn hóa, tương xứng với vai trò của văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình, nhà trường, xã hội sẽ là nơi bồi dưỡng, hình thành nhân cách, giáo dục lối sống cho con người. Cái tốt, cái thiện được nuôi dưỡng, đi lên; cái xấu, cái ác bị lên án, bài trừ. Từ đó, việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ tạo điều kiện để phát triển văn hóa con người Việt Nam.

Báo cáo và giải đáp trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch tài chính 5 năm 2016 – 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ cấu chi ngân sách nhà nước được chuyển dịch tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều vượt kế hoạch 5 năm. Trong đó, tỷ trọng dự toán chi được giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp, qua đó cơ cấu lại nguồn bố trí thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội. Lũy kế 5 năm đã giảm chi thường xuyên cho thực hiện các nhiệm vụ này của ngân sách nhà nước khoảng 27 - 28 ngàn tỷ đồng.

Bộ trưởng cho biết, công tác ngân sách nhà nước có những khó khăn. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế phí có xu hướng giảm dần, nguyên nhân chủ yếu là do đóng góp thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua giảm rất nhanh. Để cải thiện vấn đề này, Bộ đã và đang nghiên cứu để tiếp tục kiến nghị điều chỉnh thu, vừa đảm bảo tính cạnh tranh của môi trường đầu tư; đồng thời huy động hợp lý ngân sách nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ phải tăng cường các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của 5 năm ở mức cao nhất. Bộ đang nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh các chính sách thu, các quy định về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp. TTXVN

Bộ trưởng đã giải đáp ý kiến của một số đại biểu cho rằng thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, trong khi thu từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán.

Giải đáp các ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình trạng giải ngân chậm là điểm tối trong bức tranh sáng của nền kinh tế. Trước tình hình đó, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2019. Hội nghị đã phân tích, đánh giá và làm rõ các nguyên nhân như: về khách quan, đó là quy định của một số văn bản pháp luật về đầu tư công, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn bất cập; thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch còn phức tạp; nhiều quy định của luật về đất đai, đấu thầu, bảo vệ tài nguyên môi trường còn chồng chéo và vướng mắc…

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94 về một số giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, có 5 nhóm giải pháp gồm: rà soát các vướng mắc để kịp thời điều chỉnh; khẩn trương giao chi tiết và điều chỉnh các kế hoạch điều chỉnh vốn, đặc biệt là kiên quyết điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân cao hơn. Bên cạnh đó là tập trung chỉ đạo công tác giải ngân ở các cấp, các ngành; đổi mới công tác theo dõi, đánh giá kế hoạch đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là vai trò của người đứng đầu.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Năm kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội
Năm kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội

Tại hội trường Quốc hội, chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu lên 5 kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN