Nước “sạch” đã về nhưng chưa thể nấu ăn
Sau khi nước sinh hoạt của người dân các quận phía Tây Nam Hà Nội bị phát hiện nhiễm dầu, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm. Kết quả: Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren (từ dầu thải) thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần.
Styren (hay vinyl benzene hoặc phenyl ethene) là một hợp chất hữu cơ không màu, khi đậm đặc thì có mùi khó chịu, có khả năng phát triển ung thư, giảm thị lực, thính giác và gây tổn thương hệ thần kinh.
Trong buổi họp báo ngày 15/10, UBND Thành phố Hà Nội đã chính thức đưa ra khuyến cáo đối với người dân sau gần 1 tuần hiện tượng nước có mùi được phát hiện: Trong thời gian trước mắt, khi Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà chưa súc xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, người dân có sử dụng nước thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Đông cung cấp, chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Người dân muốn nấu ăn, uống tạm sẽ thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp.
Cùng với đó, để cung cấp kịp thời nước sạch cho người dân khu vực bị ảnh hưởng, Thành phố Hà Nội cũng bố trí các xe téc của Công ty Nước sạch Hà Nội túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu. Tuy nhiên, người dân đã phát hiện nước do xe téc ở một số nơi có tình trạng bị bẩn, do xe vận chuyển nguyên là xe chở nước tưới cây.
Ngày 16/10, Công ty cổ phần Viwaco (đơn vị tiếp nhận nước sạch sông Đà để cấp cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội) thông báo "ngừng cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải nước sạch từ nhà máy nước sông Đà". Người dân Hà Nội đã phải rồng rắn xếp hàng tại các siêu thị để mua nước đóng chai. Các gia đình tạm thời “di tản” tới nhà người thân tại các khu vực khác để tắm giặt. Thậm chí, nhiều người dân phải lấy nước từ bể bơi công cộng về phục vụ sinh hoạt của gia đình.
Ngày 17/10, nước được cấp trở lại. Tuy nhiên cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội phát đi thông báo nước sạch sông Đà không còn vệt dầu, nhưng khuyến nghị người dân chỉ dùng tắm giặt, không dùng đun nấu.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám để điều tra; tạm giữ xe ô tô 4 chỗ ngồi 89A-13766. Đồng thời, cơ quan Công an tiếp tục xác minh truy bắt đối tượng Lý Đình Vũ, thu giữ các phương tiện, vật chứng có liên quan đến vụ đổ dầu thải đầu nguồn nước của nhà máy nước sạch sông Đà. Hai đối tượng Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám khai nhận: Ngày 6/10/2019, Đại và Thám được Lý Đình Vũ thuê lái xe ô tô tải 99C-08783 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà ( có địa chỉ tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3), sau đó di chuyển về Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí cao su K90 (địa chỉ tại xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) gửi xe. Đến ngày 8/10/2019, cả 3 đối tượng trên sử dụng hai xe ô tô chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) tiến hành xả chất thải, sau đó bỏ trốn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tử vong tại trụ sở
Tuần qua, một sự việc gây chấn động dư luận là sự qua đời đột ngột của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An vào 7 giờ 10 phút ngày 17/10, sau khi được phát hiện rơi từ tầng 8 trụ sở Bộ GD-ĐT tại phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội.
Cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An để lại niềm tiếc thương trong người thân, bạn bè, cộng đồng khoa học và những người quan tâm tới sự nghiệp GD-ĐT, bởi Thứ trưởng Lê Hải An được đánh giá là một nhà khoa học, một lãnh đạo trẻ (sinh năm 1971), có trình độ cao, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ GD&ĐT, từng tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Brunei (thành phố Bandar Seri Begawan, Vương quốc Brunei), bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Heriot-Watt (thành phố Edinburgh, Vương quốc Anh). Trước khi nhận cương vị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông từng là Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Mỏ - Địa chất; là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội.
Truy tố hai bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn
Sáng 19/10, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt Cáo trạng số 89/CTr-VKSTC-V3 truy tố 14 bị can trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Trong số 14 bị can, có 13 bị can bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 220, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Mười ba bị can này bao gồm: Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Đình Trọng (sinh năm 1970, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Võ Văn Mạnh (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (sinh năm 1983, thẩm định viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Lê Nam Trà (sinh năm 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (sinh năm 1966, Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone) cùng 5 Phó Tổng Giám đốc MobiFone gồm: Phạm Thị Phương Anh (sinh năm 1975), Hồ Tuấn (sinh năm 1965), Nguyễn Đăng Nguyên (sinh năm 1976, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (sinh năm 1972), Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1969).
Riêng bị can Phạm Nhật Vũ (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, 4 bị can: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố thêm tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong số 14 bị can, có 8 bị can bị tạm giam; 6 bị can được tại ngoại, trong đó có 1 bị can được bảo lĩnh (bị can Phạm Thị Phương Anh), 5 bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Thu nhập của nông dân tăng gấp 3 lần sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
Ngày 19/10, tại Nam Định, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 được tổ chức.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 và 9 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Kết quả nổi bật là đã cả nước hoàn thành trước gần 2 năm mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn nâng cao và đã có địa phương có xã đạt chuẩn kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Có 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ).
Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh, gấp gần 3 lần so với năm 2010 (12,8 triệu/người năm 2010, 35,9 triệu đồng/người năm 2018). Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm).
Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được trên 2,4 triệu tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách nhà nước trên 670 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7%); vốn tín dụng trên 1,39 triệu tỷ đồng (chiếm 57,6%); vốn doanh nghiệp trên 118 nghìn tỷ đồng (chiếm 4,9%); đóng góp của nhân dân gần 236 nghìn tỷ đồng (chiếm 9,8%).
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc,ccác lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được quan tâm.
Trước Hội nghị này, tối 18/10, tại Lễ vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 - 2020, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 đã được phát động.