Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho hay, chủ đề năm 2022 của thành phố là "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số".
Theo đó, thành phố thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển ba trụ cột chủ yếu (công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại).
Hải Phòng cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số...
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đánh giá, năm 2021, kinh tế thành phố Hải Phòng tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao so với các địa phương khác. Kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, sát thực tiễn của Trung ương; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng GRDP ước tăng 12,5%, là mức tăng trưởng cao nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 90.421 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao và 101% dự toán Hội đồng nhân thành phố giao.
Theo đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 54.000 tỷ đồng, đạt 109,1% dự toán Trung ương giao và 101,9% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao; thu nội địa ước 35.000 tỷ đồng, đạt 133,1% dự toán Trung ương giao, đạt 100% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ USD, tăng 23,19%; sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,35%; tổng vốn đầu tư phát triển 173.975 tỷ đồng, tăng 1,32%. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân.
Trong năm 2021, thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Điểm nhấn, thành phố đã khởi công 10/31 dự án, công trình, khánh thành 11/23 dự án, công trình theo danh mục các dự án, công trình dự kiến khởi công, khánh thành năm 2021 theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 22/12/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố. Hoàn thành, trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 14 dự án hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng.
Hải Phòng cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác một số công trình: trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Văn Linh đến đường Tô Hiệu; cầu Dinh; cầu Quang Thanh; tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng; mở rộng đường xuyên đảo Cát Hải (Cái Viềng - Mốc Trắng); cải tạo, nâng cấp đường 356 (đoạn từ ngã ba Hiền Hào đến ngã ba Áng Sỏi, huyện Cát Hải)...
Đồng thời, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị hoàn thành một số công trình: đường Đông Khê 2; cầu Rào 1; nút giao khác mức tại Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5.
Thành phố cũng đã khởi công các dự án: Trung tâm Hành chính - Chính trị quận Ngô Quyền; xây dựng 3 tòa nhà hỗn hợp Hoang Huy Commerce tại phường Kênh Dương và phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy; đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển; tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến Ngã Ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ), quận Đồ Sơn...