Năm kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội

Tại hội trường Quốc hội, chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu lên 5 kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, vị Tư lệnh ngành cũng đồng quan điểm với nhiều đại biểu Quốc hội và đánh giá: "tình trạng giải ngân chậm là điểm tối trong bức tranh sáng của nền kinh tế".

Những kết quả tích cực 

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù trước bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng nêu lên 5 kết quả quan trọng.

Thứ nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng khá, trong khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Thứ hai là cơ cấu lại nền kinh tế đúng hướng và thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chuyển biến tích cực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dần khẳng định được vai trò động lực tăng trưởng của kinh tế. Thứ ba là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thứ tư là phát triển kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực xã hội và tăng trưởng kinh tế đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội và góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Thứ năm là vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định, nâng cao, ngày càng được sự ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích của đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, nền kinh tế nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,...

"Chính phủ ý thức được rằng, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua được những khó khăn, thách thức đòi hỏi tiếp tục phải có những giải pháp căn cơ hơn, kể cả trong ngắn hạn và dài hạn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo vị Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư, trong bối cảnh của tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường và với độ mở cao của nền kinh tế như của Việt Nam, Chính phủ quán triệt chủ trương của Đảng định hướng về xây dựng và phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ và tăng cường khả năng thích ứng cũng như khả năng chống chịu trước những biến động của bên ngoài; mở rộng và đa dạng hóa các thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), phát triển mạnh nội lực và khu vực trong nước.

Đồng thời, Chính phủ chủ trương phát triển đột phá về công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có tri thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí, bản lĩnh, khát vọng của người Việt Nam vượt lên khó khăn.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương phát biểu. Ảnh: Văn Điệp / TTXVN

Giải đáp các ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực trạng đúng như nhiều đại biểu đã nêu.

"Tình trạng giải ngân chậm là điểm tối trong bức tranh sáng của nền kinh tế", Bộ trưởng đưa ra đánh giá, đồng thời nhấn mạnh việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp của vốn đầu tư công trong giá trị của GDP; nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Cập nhật tình hình của 10 tháng năm 2019, Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 49,83% so với kế hoạch Quốc hội giao và cũng chỉ đạt 54,69% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2018.

Mặc dù, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt với các giải pháp khác nhau ngay từ những tháng đầu của năm như: giao kế hoạch vốn rất sớm, trước 31/12/2018 đã giao được 91,26%, còn lại hơn 33 nghìn tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% thì không đủ điều kiện và thủ tục nên không thể giao được.

"Trong suốt từ đầu năm đến giờ, chúng tôi cũng đã liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành thủ tục. Và thủ tục đầy đủ đến đâu thì giao đến đó. Đến nay, chúng ta đã giao thêm được hơn 5 nghìn tỷ đồng; nhưng vẫn còn 27 nghìn tỷ đồng chưa giao được", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói, đồng thời cho biết: "Mặc dù đã tổ chức nhiều đoàn công tác để đôn đốc, thúc đẩy cũng như tháo gỡ các khó khăn, giải quyết vướng mắc, nhưng trên thực tế, tình hình vẫn rất chậm được cải thiện như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu".

Trước tình hình đó, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2019. Hội nghị đã phân tích, đánh giá và làm rõ các nguyên nhân như: về khách quan, đó là quy định của một số văn bản pháp luật về đầu tư công, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn bất cập; thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch còn phức tạp; nhiều quy định của luật về đất đai, đấu thầu, bảo vệ tài nguyên môi trường còn chồng chéo và vướng mắc,...

"Tuy nhiên, Chính phủ xác định những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu", Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Đó là công tác lập quy hoạch không sát thực tế; việc giao kế hoạch chậm cả ở trung ương và các cấp bộ, ngành, địa phương, chưa phù hợp với tiến độ dự án; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao; trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, tư vấn giám sát, nhà thầu,... còn nhiều hạn chế. "Và cơ bản là thiếu động lực trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng đây là nguyên nhân hết sức cơ bản.

"Thông tin các bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn chậm đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính", Bộ trưởng cho biết.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94 về một số giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, có 5 nhóm giải pháp gồm: rà soát các vướng mắc để kịp thời điều chỉnh; khẩn trương giao chi tiết và điều chỉnh các kế hoạch điều chỉnh vốn, đặc biệt là kiên quyết điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân cao hơn. Bên cạnh đó là tập trung chỉ đạo công tác giải ngân ở các cấp, các ngành; đổi mới công tác theo dõi, đánh giá kế hoạch đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là vai trò của người đứng đầu.

Xuân Tùng (TTXVN)
Bên lề Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV: Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công
Bên lề Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV: Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN