Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, hợp tác toàn diện về mọi mặt với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trong đó, lĩnh vực đào tạo cán bộ tư tưởng, văn hóa, báo chí truyền thông được đặc biệt coi trọng.
Việt Nam đã và đang tiếp nhận, đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, hàng ngàn lưu học sinh Lào tốt nghiệp tại Việt Nam đã về nước tham gia vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đóng góp to lớn vào sự hợp tác hữu nghị Việt - Lào trong việc đào tạo hàng ngàn cán bộ trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành lý luận chính trị, báo chí truyền thông.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là vấn đề học thuật và chính trị có ý nghĩa quan trọng. Đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông cho nước Lào là trách nhiệm, nghĩa vụ và nghĩa tình của các cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam, trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Học viện luôn xác định, đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông không chỉ giúp phát triển nền báo chí Lào mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Ngọc Nam cho biết, số lượng lưu học sinh Lào đến Việt Nam được duy trì ổn định trong những năm qua và hiện nay có gần 100 lưu học sinh đang học tập các chuyên ngành khác nhau tại Học viện. Trong những năm vừa qua, lưu học sinh Lào nhận được sự quan tâm của Học viện trong các điều kiện học tập và sinh hoạt. Không dừng lại ở đào tạo chính quy trình độ Cử nhân, Thạc sỹ và Tiến sỹ, từ năm 2012, Học viện định kỳ mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, truyền thông của Lào về kinh nghiệm quản lý báo chí, mô hình hoạt động của cơ quan báo chí trung ương, địa phương và phương thức vận hành của tòa soạn đa phương tiện.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Ngọc Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, công tác đào tạo, bồi dưỡng cần có sự chuyển biến mang tầm chiến lược, dài hạn, bài bản, căn cơ, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo để cán bộ báo chí, truyền thông Lào được đào tạo tại Việt Nam là người giỏi nghề, được việc. Học viện Báo chí và Tuyên truyền mong muốn giúp xây dựng cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông chất lượng tại Lào.
Học viện có thể giúp bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình. Đây là giải pháp chiến lược tạo ra sự thay đổi đột phá đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Để thực hiện được chiến lược này rất cần sự quan tâm về chính sách và sự đầu tư về nguồn lực của chính phủ hai nước. Bên cạnh đó, các chính sách, chế độ đối với lưu học sinh Lào cần được cải thiện để lưu học sinh thực sự yên tâm học tập, tu dưỡng. Đặc biệt, việc lắng nghe ý kiến, đánh giá của các cơ quan sử dụng lao động của Lào là rất cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Savankhone Razmountry nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước Lào luôn coi trọng công tác báo chí truyền thông, coi đây là công cụ sắc bén trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước đặc biệt tuyên truyền, giáo dục tình yêu đất nước, bảo vệ chế độ dân chủ. Để thực hiện điều này cần nguồn nhân lực có chất lượng, tạo nên những tác phẩm có giá trị. Để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi, Lào rất cần sự giúp đỡ của Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Việc đào tạo phải liên tục, không ngừng, phù hợp yêu cầu thực tế, xây dựng đội ngũ báo chí vững mạnh toàn diện.
Hội thảo đã nhận được 50 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ giảng viên và của các lưu học sinh Lào ngành báo chí, truyền thông. Các tham luận đã làm sáng tỏ nhiều nội dung cơ bản như: chủ trương, chính sách, nhu cầu của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí truyền thông; sự phối hợp với Việt Nam trong hoạt động này; thực trạng, những vấn đề đặt ra và định hướng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông cho nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở Việt Nam hiện nay.
Tham luận của các nhà quản lý thuộc các cơ quan, tổ chức của Lào cũng có những đánh giá sâu sắc về chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí, truyền thông tại Việt Nam nói chung, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng. Nhiều tham luận của các cán bộ báo chí, truyền thông của Lào đã và đang được đào tạo tại Việt Nam đã có những chia sẻ tâm huyết về nhiều mặt như chất lượng đào tạo, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, phương pháp giảng dạy.
Từ nhiều góc nhìn khác nhau, các đại biểu, các nhà khoa học đã đề xuất những phương hướng, giải pháp, kiến nghị cụ thể, thiết thực, có tính khả thi góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông cho nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở Việt Nam trong thời gian tới.