Người “đăng đàn” đầu tiên trong sáng 6/11 là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Nhiều cử tri cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nắm khá vững lĩnh vực của mình. Trong quá trình trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu đặt ra, Bộ trưởng có cung cấp số liệu chứng minh cụ thể cho từng nội dung. Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội khá sát với tình hình thực tế, trong đó có nhiều vấn đề đang được người dân quan tâm hiện nay như giá cả nông sản (cà phê, hồ tiêu) xuống thấp, tình trạng được mùa mất giá trong sản xuất nông nghiệp, bất cập trong hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân và việc các tàu đóng mới hoạt động không hiệu quả …
Nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cường (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá xây dựng nông thôn mới là vấn đề lớn, không thể phủ nhận những thành quả mà chương trình đã đem lại cho vùng nông thôn, góp phần làm thay đổi đời sống của nhân dân cũng như hạ tầng cơ sở. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới đề ra là: giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều; một số huyện tỷ lệ hộ nghèo còn cao như: Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ... Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa nhiều. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước...
Để giải quyết những bất cập này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cường cho rằng cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu, phải xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, thường xuyên và liên tục. Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình hiệu quả; có cơ chế, chính sách thích hợp và đủ mạnh để thực sự khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ… Đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cần tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu.
Qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cử tri Trần Huy Long ( xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho rằng, tại Nghệ An, chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã thấy rõ. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp chưa tạo được bước đột phá về tăng trưởng. Thực hiện các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới chất lượng chưa cao, chưa bền vững. Đầu tư cho phát triển nông nghiệp hiệu quả chưa rõ. Việc tháo gỡ khó khăn trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm đối với sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng một số dự án đầu tư hạ tầng nông nghiệp chất lượng, hiệu quả đầu tư gắn với sử dụng chưa cao, có những dự án gây bức xúc cho dư luận. Đơn cử, dự án nâng cấp thủy lợi Bắc Nghệ An bị phản ánh có hành vi khuất tất, cấu kết, gian lận, không minh bạch trong đấu thầu nhiều gói thầu.
Theo cử tri Nguyễn Tấn Dương, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, các đại biểu Quốc hội chưa đề cập nhiều đến vấn đề ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong khi đây là xu hướng sản xuất sạch, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp cần có định hướng, giải pháp cụ thể hơn về vấn đề này.
Cử tri Vương Thị Thu Hương (thành phố Vĩnh Long) bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu tại phiên chất vấn về việc cần thiết phải có giải pháp hữu hiệu để các xã nông thôn mới duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt, từ đó tạo động lực tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng trong việc thực hiện từng tiêu chí.
Theo dõi phiên chất vấn, nhiều cử tri cho rằng cần tập trung huy động toàn bộ nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, trong đó phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Trong quá trình thực hiện cần nêu cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới; thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn. Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó chủ động xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết hợp tác, gắn với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo sản xuất bền vững, hiệu quả.
Tạo điều kiện để ngư dân yên tâm bám biển
Cử tri Hoàng Ngọc Hùng (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho rằng, Nghệ An là địa phương nhiều tàu thuyền và hàng ngàn lao động liên quan đến lĩnh vực khai thác, chế biến thủy sản. Những năm gần đây, ngành Thủy sản tỉnh đã có nhiều đổi mới; nhiều tàu thuyền được đóng mới, cải hoán nâng công suất; hệ thống cảng cá, bến cá được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới… Tuy nhiên, việc khai thác trên biển và nuôi trồng thủy sản đang tồn tại nhiều bất cập, rủi ro cao, trong đó có cả những rủi ro do yếu tố thời tiết.
Thực tế tại Nghệ An, số lượng lao động trực tiếp khai thác trên biển là khá lớn, trải dài ở nhiều địa phương khác nhau; kèm theo đó là những lao động khác có liên quan nhưng thu nhập từ nghề khai thác biển còn hạn chế, tính bền vững không cao, các giải pháp đột phá trong phát triển nghề khai thác biển chưa có. Ông Hoàng Ngọc Hùng kiến nghị Trung ương và địa phương quan tâm hơn đến việc phát triển nghề khai thác biển, xây dựng các giải pháp, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm bám biển và đạt được hiệu quả cao từ nghề khai thác biển.
Cử tri Nguyễn Tấn Dương ( hành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đồng tình với nhận định của đại biểu Quốc hội về chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ đã tạo điều kiện phát triển mạnh đội tàu đánh bắt có công suất lớn, chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đã mang lại hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhất là có nhiều tàu đóng mới nằm bờ, không ra khơi được do nhiều nguyên nhân như đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu không có điều kiện hoạt động… gây thiệt hại không nhỏ cho người dân, ngân hàng. Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần xem xét cụ thể việc quy hoạch số lượng tàu được đóng mới phù hợp với tiềm năng ngư trường đánh bắt để khai thác hiệu quả.