Nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo, quản trị về kinh doanh để phát triển bền vững

Chiều 23/3, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán 4 nước Bắc Âu: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển tổ chức Tọa đàm khoa học “Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) – Mô hình kinh doanh để phát triển bền vững” dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Chú thích ảnh
PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng 4 Đại sứ các nước Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển đồng chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm thu hút các đại biểu đại diện cho các bộ, cơ quan chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nhiều chuyên gia đến từ Bắc Âu, gồm có khu vực công - tư, các nhà nghiên cứu, học giả, đại diện các tổ chức phi chính phủ.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Tọa đàm được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Bắc Âu 23/3. Đây là hoạt động thường niên lần thứ tư, được tổ chức từ năm 2018 đến nay, nằm trong sáng kiến của các nước Bắc Âu phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề thiết thực đối với Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, khu vực Bắc Âu gồm các nước thành viên Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển, là khu vực có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, nằm trên bán đảo Scandinavia, với sự phát triển thần kỳ về tăng trưởng kinh tế gắn với sự phát triển hài hòa về mặt xã hội, thu nhập bình quân đầu người cùng chỉ số hạnh phúc của người dân luôn ở chiếm vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng thế giới. Một trong những yếu tố tạo nên thành công trong sự phát triển của các nước Bắc Âu đó là kiên trì theo đuổi mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội và hai yếu tố then chốt đó là tích lũy của cải xã hội trong giai đoạn phát triển thịnh vượng và một nền văn hóa - đạo đức cao.

Mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở các nước Bắc Âu nói chung đã đạt được những thành tựu to lớn vượt bậc về tăng trưởng kinh tế, hệ thống phúc lợi xã hội tiên tiến, bảo vệ môi trường và gìn giữ các giá trị bản sắc văn hóa. Các nước Bắc Âu thường được coi là những quốc gia tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Đối với các nhà đầu tư, tổ chức ở khu vực Bắc Âu, các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị từ lâu đã được công nhận là một thành phần quan trọng của đầu tư. Tất cả đã và đang có những giá trị tham khảo rất hữu ích với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi khẳng định, Tọa đàm là dịp chia sẻ các thực tiễn và kinh nghiệm tốt của các nước Bắc Âu, đặc biệt là cơ chế tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, người dân về môi trường, xã hội và quản trị cũng như những ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Kết quả của Tọa đàm sẽ góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực lãnh đạo, quản trị quốc gia và địa phương về môi trường, xã hội và quản trị nói riêng, phát triển nhanh, bền vững đất nước nói chung theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết và chương trình hành động của Quốc hội, Chính phủ.

Chú thích ảnh
Đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại diện các Đại sứ Bắc Âu phát biểu tại Tọa đàm, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cho biết, chủ đề năm nay của Ngày Bắc Âu là chương trình nghị sự môi trường, xã hội và quản trị. Đây là chủ đề rất trúng, phù hợp và kịp thời để Việt Nam thành công trong quá trình phục hồi kinh tế xanh và bền vững.

Theo Đại sứ, thập niên vừa qua, châu Âu đã chứng kiến sự phát triển chưa từng có về đầu tư bền vững. Về phía các chính phủ, cam kết của Hiệp định Paris về khí hậu nhằm tăng cường ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu bằng cách "duy trì các nguồn tài chính ổn định, phù hợp với lộ trình hướng tới phát thải khí nhà kính thấp và phát triển thích ứng với khí hậu" đã đi một chặng đường dài, bảo đảm tài chính bền vững, nhận được sự ưu tiên, quan tâm của các nhà lãnh đạo. Về mặt thị trường, áp lực ngày càng gia tăng từ những người tiêu dùng về các sản phẩm và dịch vụ bền vững, các doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức và trách nhiệm với xã hội đã và đang góp phần hỗ trợ phát triển nguồn tài chính bền vững ngay cả trong thời kỳ đại dịch.

Đại sứ Grete Lochen nhấn mạnh, các chính phủ đóng vai trò chủ đạo về mặt luật pháp, thiết lập và thực hiện các chính sách quan trọng để đạt được sự phục hồi kinh tế xanh và bền vững. Điều này rất phù hợp với Việt Nam ở thời điểm hiện nay.

Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao đang tìm kiếm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, nhấn mạnh việc tuân theo các nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị. Các nhà đầu tư ngày càng coi trọng các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro đầu tư của họ. Hơn nữa, trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện đại, quyền lực của người tiêu dùng là quan trọng và người tiêu dùng ngày càng yêu cầu các sản phẩm được sản xuất tại các quốc gia coi trọng môi trường, xã hội và quản trị. Điều này rất trúng đối với một nền kinh tế mở và định hướng xuất khẩu như Việt Nam, với châu Âu và Hoa Kỳ là những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất.

“Môi trường, xã hội và quản trị giải quyết nhiều vấn đề thực sự được xử lý hiệu quả nhất trong quan hệ đối tác công - tư. Đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn năng lượng, xây dựng các chính sách bảo trợ xã hội cũng như chống tham nhũng là những nhiệm vụ mà cả nhà nước và tư nhân đều đóng vai trò thiết yếu”, Đại sứ Grete Lochen phát biểu.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại Tọa đàm, các tham luận, chia sẻ của diễn giả là những chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp của các nước Bắc Âu và Việt Nam đã thống nhất nhận định để thành công, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần một môi trường kinh doanh bền vững và dễ dự báo, quản trị tốt, năng lượng sạch, điều kiện làm việc tốt và các biện pháp phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ. Điều này rất phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Việt Đức (TTXVN)
Hội nghị quốc tế về 'Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế'
Hội nghị quốc tế về 'Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế'

Ngày 25/2/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị quốc tế về “Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN