Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng tại Hội nghị triển khai quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 14/4.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu định hướng quy hoạch các không gian chức năng vùng, tỉnh phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, gắn kết quy hoạch phát triển đô thị với mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh, năng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa khu vực đô thị và nông thôn.
Quy hoạch xây dựng phải tạo cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương nhàm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Cùng đó, việc quy hoạch phải đồng bộ, hiện đại; tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm trong nước và quốc tế cũng như các ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành Trung ương…
Ông Lữ Văn Hùng nhấn mạnh, hiện tại, quỹ thời gian không còn nhiều nên UBND tỉnh, các địa phương và các nhà thầu liên danh phải nghiêm túc triển khai thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Theo sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành Trung tâm đô thị - công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp hiện đại phát triển cân bằng và bền vững. Tỉnh sẽ đóng vai trò là Trung tâm kinh tế của tiểu vùng phía Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đầu mối giao thông kết nối các trục hành lang kinh tế cũng như là vùng phát triển nông nghiệp lúa chuyên canh, nông nghiệp đô thị, đánh bắt nuôi trồng thủy sản tập trung...
Để đảm bảo thời gian, chất lượng của quy hoạch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong quá trình tham gia lập quy hoạch tỉnh cần nắm chắc, đầy đủ các quy định của pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến ngành, lĩnh vực và địa phương. Các sở, ngành giao cho một đơn vị chủ trì (hoặc thành lập Tổ), UBND cấp huyện giao cho một phòng chuyên môn chủ trì phối hợp với các phòng, ban của huyện, xã, phường, thị trấn... để thực hiện và lập nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Các cấp, ngành cũng phải phối hợp và tạo điều kiện tốt cho tư vấn thực hiện nhiệm vụ.
Đối với nhà thầu liên danh như: Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp; Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam; Công ty Cổ phần tư vấn Thiết kế Xây dựng - Thương mại và Dịch vụ Đại Nam; Công ty TNHH Đồng Tiến khẩn trương tiếp cận các tài liệu trong và ngoài tỉnh, đánh giá thực trạng, xây dựng tích hợp quy hoạch, bố trí đủ nhân lực có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm, thời gian, hướng dẫn phối hợp các cấp, ngành trong việc lập quy hoạch; thường xuyên báo cáo tiến độ lập quy hoạch cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và phải đảm bảo thời gian, chất lượng quy hoạch tỉnh.
Mặt khác, các thành viên Hội đồng quy hoạch tỉnh chỉ đạo bộ phận chuyên môn của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách thực hiện tốt nội dung, thời gian đã nêu trong kế hoạch; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị tư vấn lập quy hoạch đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì điều phối, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện quy hoạch, kết hợp với đơn vị tư vấn nêu yêu cầu, kiểm tra, đôn đốc tiến độ để các nội dung được thực hiện theo đúng kế hoạch; chủ động liên hệ, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để lồng ghép các nội dung của quy hoạch ngành, quốc gia, vùng trong quy hoạch tỉnh và ngược lại; chủ trì xử lý nội dung tích hợp trong quy hoạch.
Theo lịch trình thực hiện quy hoạch, từ nay đến tháng 12/2021, các đơn vị sẽ hoàn thành báo cáo dự thảo và chuẩn bị hồ sơ quy hoạch. Đến ngày 28/2/2022, đơn vị tư vấn cùng Sở Kế hoạch Đầu tư hoàn tất hồ sơ quy hoạch tỉnh Bạc Liêu để UBND trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.