Góp ý vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, việc không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) quận, phường là một vấn đề hết sức quan trọng, cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng rộng rãi bởi đây là một kênh giám sát quan trọng của dân.Thể hiện quyền giám sát của cử triHuyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đang trong quá trình đô thị hóa để tiến tới mục tiêu trở thành thị xã công nghiệp, dịch vụ vào năm 2015. Trong quá trình chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị, HĐND huyện đã có những thay đổi phù hợp với định hướng, phương thức tổ chức để xứng tầm là đô thị công nghiệp dịch vụ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Đình Khanh phát biểu ở tổ. Ảnh: An Đăng - TTXVN
|
Ông Lê Quang Hiến, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mỹ Hào cho biết, nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu thời gian trước là phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Gần đây, huyện đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng như đường sá, cây xanh, vỉa hè,… phục vụ cho phát triển công nghiệp địa phương. “Tuy nhiên, thay đổi quan trọng nhất là con người. Để đáp ứng với một mô hình mới, cán bộ nói chung và mỗi cán bộ HĐND phải nghiên cứu, tìm tòi, và tự học hỏi bởi khối lượng công việc tăng lên rất nhiều lần. Bí quyết để tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ tiến tới việc ra nghị quyết tại địa phương là tất cả những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND đều được đem ra bàn thảo kỹ lưỡng”, ông Hiến chia sẻ.
Theo dự kiến, hôm nay (7/11), Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về Luật Tổ chức chính quyền địa phương. |
Ông Hiến cho biết thêm, tại huyện Mỹ Hào, tất cả các vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, các chính sách, hoạch định của địa phương sẽ được thông qua tại hai kỳ họp thường kỳ của HĐND. Theo đó, kỳ họp giữa năm sẽ kiểm điểm lại tình hình phát triển kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm, điều chỉnh việc thu chi ngân sách và quan trọng nhất là phê duyệt quyết toán Ngân sách Nhà nước cấp huyện của năm trước. Kỳ họp cuối năm sẽ đánh giá tình hình phát triển kinh tế của năm vừa qua, đề ra mục tiêu phát triển kinh tế của năm sau, đồng thời phê duyệt rất nhiều vấn đề như dự toán thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản của năm sau.
Bên cạnh nhiệm vụ phê duyệt thu chi ngân sách, HĐND huyện Mỹ Hào cũng tích cực triển khai hoạt động giám sát những vấn đề kinh tế, xã hội nổi cộm gây nhiều bức xúc trong dư luận, thể hiện đúng vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân và bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Mới đây, đoàn giám sát của HĐND huyện đã kiểm tra khu nghĩa trang liệt sĩ và có kiến nghị về những điều còn chưa hợp lý lên chủ đầu tư.
Nói về vai trò của HĐND tại địa phương, một người dân nơi đây nhận xét: “Qua HĐND, tiếng nói phản biện của người dân được tiếp thu nhanh chóng, quyền giám sát của cử tri được tăng lên”.
Phải chọn người tài đứcTheo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hiện có 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Phương án 1 quy định HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, xã, thị trấn; ở quận, phường tổ chức UBND mà không tổ chức HĐND, chức năng đại diện, giám sát, quyết định các vấn đề ở địa phương do HĐND thành phố, thị xã đảm nhiệm.
Phương án 2 là HĐND, UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, xã, phường, thị trấn.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, PGS. TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc ban hành hai phương án này nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Khoản 2 Điều 111 của Hiến pháp quy định rõ, cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do luật định.
Ông Thảo cho rằng, việc lựa chọn phương án nào phải căn cứ trên hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề tiết kiệm ngân sách. PGS.TS Đinh Xuân Thảo phân tích, tại các thành phố, đô thị như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh giao thông thuận tiện, liên lạc thông suốt, độ gắn kết chặt chẽ cao nên việc không tổ chức HĐND ở quận, phường là hợp lý. Ở quận, phường chỉ cần cơ quan hành chính để giải quyết công việc hàng ngày.
Trong khi đó, tại nông thôn, địa bàn rộng, các huyện xã tách bạch, cắt khúc nhau thì cần có HĐND tại từng cơ sở để quán xuyến, đề ra nghị quyết và giám sát việc thực hiện của UBND ở từng địa phương mình. “Chính quyền đô thị phải khác chính quyền nông thôn. Cần đa dạng hóa mô hình tổ chức, không thể tổ chức chính quyền địa phương một cách bình quân ở tất cả các địa bàn”, ông Thảo nhấn mạnh.
Có ý kiến băn khoăn, liệu bỏ HĐND cấp huyện có làm “phình to” bộ máy HĐND cấp tỉnh? Bởi nếu bỏ HĐND cấp huyện, HĐND cấp tỉnh có thể cần số nhân lực tương đương thậm chí còn lớn hơn để giải quyết công việc tại mỗi địa phương. Trong khi đó, biên chế cứng cho HĐND huyện chỉ gồm hai người Phó Chủ tịch HĐND và Ủy viên thường trực.
PGS.TS Đinh Xuân Thảo cho rằng, nếu quyết định giữ lại HĐND thì cần có cơ chế rõ ràng để củng cố hoạt động của cơ quan này như: tăng thêm biên chế, thành viên chuyên trách đồng thời phải tuyển những cán bộ có năng lực, trình độ, uy tín vào bộ máy.
Thu Phương