Hội thảo do Ủy ban đối ngoại và Hội đồng thanh niên St-Petersburg, Quỹ quốc tế “Con đường hòa bình”, Trung tâm hỗ trợ phát triển nhân đạo “Quyền hòa bình” Nga tổ chức. Phó Thống đốc St-Petersburg Oleg Markov cùng các lãnh đạo chính quyền thành phố, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh đã đến dự và phát biểu đóng góp với hội thảo.
Hội thảo thu hút gần 200 khách mời đại diện cho giới nghiên cứu khoa học, giới học giả Việt Nam học, các nhà hoạt động và tổ chức xã hội, thanh niên Nga và Việt Nam, sinh viên đại học, nghiên cứu sinh. 16 tham luận và bài phát biểu của các đại biểu Nga và Việt Nam tại hội thảo không chỉ ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, trong đó có một phần không nhỏ gắn với "xứ sở Bạch Dương", mà từ đó còn đi sâu nghiên cứu và trình bày những vấn đề thời sự hiện nay như hợp tác Nga-Việt trong các lĩnh vực chính sách thanh niên, giáo dục, văn hóa, nhân đạo; vai trò của tổ chức thanh niên; hệ tư tưởng Hồ Chí Minh và vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á, xây dựng dự án “Con đường hòa bình Việt Nam-Nga” v.v.
Điều đó cho thấy vai trò xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển xã hội Việt Nam cũng như ảnh hưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh đến các vấn đề quốc tế không chỉ được đánh giá và ghi nhận ở trong nước, mà được nghiên cứu sâu sắc, lưu trữ và phổ biến khá rộng ở nước ngoài.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Đại sứ Ngô Đức Mạnh chỉ ra rằng, quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô trước kia và Việt Nam và LB Nga hiện nay đã được chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt viên gạch đầu tiên khi Người chọn Petrograd là nơi bắt đầu con đường hoạt động cách mạng, tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc.
Mối quan hệ ấy đã vững vàng đi qua mọi thử thách và các thời kỳ khó khăn suốt gần 100 năm qua, được khẳng định và không ngừng lớn mạnh. Đại sứ vô cùng cảm động trước tình cảm tốt đẹp mà nhân dân Nga nói chung và chính quyền và người dân St-Petersburg nói riêng dành cho Việt Nam thông qua những hoạt động trang trọng như hôm nay, khẳng định lòng biết ơn không bao giờ phai cạn của nhân dân Việt Nam trước tấm thịnh tình ấy.
Theo Đại sứ, phương thức thiết thực nhất để kỷ niệm sự kiện 95 năm Bác Hồ đến Petrograd cũng như thực hiện di huấn của Người là nỗ lực tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai nước và tiếp tục thúc đẩy quan hệ, chuyển giao truyền thống hiểu biết lẫn nhau cho thế hệ trẻ để cùng nhau phát triển.
Phó Thống đốc St-Petersburg Oleg Markov nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo và cho rằng “hợp tác Nga-Việt đang được thực hiện và củng cố, mở rộng ở hầu như tất cả các lĩnh vực, từ nhân đạo, văn hóa, kinh tế, khoa học, cho đến giáo dục v.v”. Sự kiện hội thảo kỷ niệm 95 năm ngày Bác Hồ đến Petrograd có ý nghĩa kéo thế hệ thanh niên hai nước lại gần nhau hơn nữa, chuyển giao tình hữu nghị giữa hai dân tộc đến với thế hệ tương lai.
Phát biểu với phóng viên tại hội thảo, đại diện Ban tổ chức, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại St-Petersburg và Hội đồng thanh niên thành phố, bà Yulia Ershova cho biết Ủy ban và Hội đồng vinh dự được tổ chức sự kiện về lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, Ban tổ chức kỳ vọng hội thảo sẽ tạo ra điểm xuất phát mạnh mẽ để thực hiện các dự án hợp tác thanh niên trong nhiều lĩnh vực.
Hội thảo có sự góp mặt của các đại diện nổi bật nhất từ giới học giả, chuyên gia đầu ngành, và nhắm đến đối tượng chính là thanh niên, vì đây là nguồn năng lượng, nguồn xu thế mới. Bà cho biết trong quá trình chuẩn bị sự kiện đã nhận được mối quan tâm rất lớn từ phía giới trẻ, ví dụ như nhóm nghệ sĩ Nhà hát Mariinsky danh tiếng và lâu đời đã đề nghị được biểu diễn phục vụ trong sự kiện văn hóa có liên quan đến Việt Nam.
Tại sự kiện này, rất nhiều các bạn trẻ Nga đã gặp phóng viên TTXVN đề nghị được trả lời phỏng vấn, giành cơ hội để nói với giới trẻ Việt Nam về những mối quan tâm tương đồng tại đất nước xa xôi về địa lý nhưng rất gần gũi về tinh thần, về tình cảm tốt đẹp với đất nước Đông Nam Á. Những người tham gia hội thảo còn được dự triển lãm các hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác của cách mạng Việt Nam.
Hội thảo lần này một lần nữa cho thấy dù Bác Hồ đã đi xa, song tư tưởng và tình cảm của Người vẫn lan rộng cho nhiều thế hệ đời sau, trở thành di sản thân thương của nhân loại tiến bộ. Tại hội thảo, lời ca "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" thêm một lần gắn kết các thế hệ Việt Nam học của LB Nga, các nhà khoa học, sinh viên, nhà quản lý, nhà ngoại giao tham dự, minh chứng cho một giá trị có tên gọi “Hồ Chí Minh”.