Bác tự mình chuẩn bị quà Tết
Với Bác, mùa xuân có ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước, dân tộc và từng người dân Việt Nam. Vì vậy, mỗi khi Tết đến Xuân về, Bác đều dành những lời thơ hay nhất, những lời ân cần nhất và cả những sự quan tâm thiết thực nhất đối với mọi người dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay), Xuân Đinh Mùi, 9/2/1967. Ảnh: vinhphuctv.vn |
Trước Tết hàng tháng Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, các địa phương chuẩn bị chu đáo cho dân đón Tết; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp "Chúc mừng năm mới" để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài. Còn Bác có chương trình riêng cho mình và Bác thường tự mình chuẩn bị các việc đó.
Đầu tiên, Bác tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới. Những bản thảo còn lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy, viết mỗi bài thơ Người cũng dày công và kỹ lưỡng như thế nào. Có thể vì thế, những bài thơ chúc Tết của Người luôn vượt qua khuôn khổ những bài thơ chúc Tết đơn thuần. Lời thơ của Bác thật dung dị, nhưng sâu lắng hồn sông núi, bật dậy lời hiệu triệu, lời hịch giục giã quân và dân cả nước tiến lên giành thắng lợi, để “xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.
Và cuối cùng là một chương trình đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ - một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết. Đối với Bác, việc đi thăm và chúc Tết đã thành nếp, bởi Bác cho rằng, đây là cơ hội tốt để hiểu được đầy đủ đời sống của nhân dân và cũng là niềm vui, hạnh phúc của người “đầy tớ của nhân dân” khi được tiếp xúc và nghe họ nói về mơ ước, khát vọng và niềm tin của mình về một năm mới đang gõ cửa từng nhà.
Bác vẫn thường nói: "Đấu tranh giành được độc lập rồi nhưng chỉ độc lập thực sự khi nhân dân được hưởng ấm no hạnh phúc". Vì quan niệm về độc lập, về sự ấm no hạnh phúc của nhân dân đơn giản nhưng sâu sắc ấy mà kể từ khi nước nhà được khai sinh cho đến khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng, gần như năm nào Bác cũng đi chúc tết đồng bào. Xuất phát từ tình thương bao la của Người, nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với người lao động, đặc biệt là người nghèo, đầy xúc động và ấm tình người.
Dành thời gian thăm hỏi, chia sẻ
Trong Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước vừa thoát khỏi hơn 80 năm ách thực dân, Bác đã viết thư gửi thế hệ thanh niên: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”; và căn dặn các cháu phải thực hành đời sống mới, phải hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ… để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm Ất Mùi 1955 là Tết Nguyên đán đầu tiên, Bác ở thủ đô Hà Nội sau chín năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi. Ngày mồng 1 Tết, Bác đi thăm công trường xây dựng đập nước Bắc Thái và công trường xây dựng tuyến đường sắt Mục Nam quan.
Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với người dân diễn ra đầy xúc động. Điển hình như cuộc gặp của Bác với anh em trường thương binh hỏng mắt Hà Nội trong đêm giao thừa Tết Bính Thân 1956 và cuộc gặp giữa Bác với chị Nguyễn Thị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội trong đêm 30 Tết Canh Tý 1960.
Hay, đêm giao thừa Tết Đinh Dậu 1957, Bác đã cùng đón Tết với các gia đình công nhân của nhà máy điện Yên Phụ. Cả khu lao động như trong ngày hội với hai niềm vui lớn: được đón Tết trong các căn hộ mới và được vinh dự đón Bác đến thăm.
Những câu chuyện thân tình, cởi mở giữa Bác và công nhân các nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân và Nhà máy Rượu Hà Nội vào đúng sáng mồng một Tết Tân Sửu 1961 đã làm cho Bác rất vui vì biết được đời sống của công nhân ít nhiều đã được cải thiện.
Mồng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, Bác đến sân bay Bạch Mai thăm Quân chủng phòng không không quân. Sau đó, Bác đến xã Vật Lại (huyện Ba Vì) khai Xuân và trồng cây trên đồi của xã. Đây là cái Tết cuối cùng nhân dân ta được đón Tết cổ truyền với Bác Hồ kính yêu.