Ngày 19/9, Sở Thông Tin Truyền Thông, Hội in TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo tìm giải pháp để ngành in giảm ảnh hưởng đến môi trường và hướng đến phát triển bền vững. Hội thảo thu hút sự tham gia của các đại diện doanh nghiệp chuyên ngành in, đại diện các sở ban ngành chuyên ngành in trên địa bàn và cả nước.
Ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục xuất bản và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, TP Hồ Chí Minh là trung tâm in lớn của Việt Nam. Tổng sản lượng in của TP chiếm 65% cả nước. Doanh thu ngành in bình quân đạt khoảng 2 tỉ USD/năm, nếu tính luôn cả bao bì và khối sản xuất in FDI thì tổng doanh thu in bao bì TP Hồ Chí Minh khoảng 4 tỉ USD. Hiện nay, ngành in của Việt Nam đang xếp hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2019, ngành in của thành phố nói riêng và cả nước nói chung tăng trưởng tốt, trung bình từ 15 – 17%/năm.
Theo ông Tuấn, ngành in vừa phát triển thị trường trong nước, vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên xuất khẩu đang gặp rào cản lớn vì sản phẩm in còn tồn dư hóa chất. Do đó yêu cầu đặt ra hiện nay, ngành in nên giảm lượng cồn khi in nhưng vẫn đảm bảo được hoạt động sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Theo các chuyên gia nước ngoài, ngành in đang tồn dư nhiều hóa chất trong sản phẩm, điều này gây ảnh hưởng cho môi trường vì vậy sắp tới ngành in cần hướng đến giảm tác hại đến môi trường từ việc giảm lượng hóa chất, cụ thể là lượng cồn.
Ông Tony Tan, Chuyên gia kỹ thuật hãng Bottche CHLB Đức cho rằng, các doanh nghiệp ngành in Việt Nam cần phải giảm cồn trong quá trình in mới tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Có không ít doanh nghiệp nói giảm hoặc không có cồn thì in ấn khó khăn nhưng với những công nghệ hiện đại ngày này điều này không khó. Quan trọng là doanh nghiệp có muốn làm hay không? Bởi việc đầu tư thiết bị máy móc đổi mới công nghệ ngành in ấn rất tốn kém và mất thời gian.
Theo thống kê của Bộ Thông tin Truyền Thông, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp in, trong đó có 1 doanh nghiệp in đạt chuẩn thế giới, 14 doanh nghiệp đạt chuẩn khu vực. Doanh nghiệp in trong nước đang dần đổi mới quy trình sản xuất theo hướng hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm in ấn hơn nữa.