Ngày 5/4, chỉ có một trường hợp mắc COVID-19, ngày 6/4 sẽ có một số ca xuất viện

Theo Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 5/4, Việt Nam chỉ ghi nhận thêm một trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số lên 241 người.

Cũng trong ngày 5/4, đã có một bệnh nhân người nước ngoài điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam được công bố khỏi bệnh, nâng số ca khỏi, ra viện tại nước ta là 91 ca.

Về tình hình điều trị, có 150 người bệnh mắc COVID-19 hiện đang điều trị tại 21 cơ sở y tế. Trong đó, số ca âm tính từ 1 lần trở lên đã tăng lên 52 ca,  âm tính từ 2 lần trở lên tăng lên 23 ca. Dự kiến ngày 6/4 sẽ có một vài ca được xuất viện.

Nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ

Chú thích ảnh
Một điểm rửa tay sát khuẩn miễn phí cho người dân vùng cao tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 chiều 5/4, Thủ tướng Chính phủ phát biểu, khẳng định: Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm, lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước phối hợp để hoàn thiện báo cáo theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan. Các bộ liên quan xây dựng báo cáo tổng quát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền.

Về đối tượng, có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, trong đó có 1 nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động. Thủ tướng Chính phủ nói: “Nhân vô thập toàn, nếu còn sót đối tượng này, đối tượng kia mà xã hội quan tâm thì tiếp tục bổ sung”. Việc hỗ trợ tập trung vào đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm…

Về thời gian hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ, việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin. Về nguồn để sử dụng cho việc hỗ trợ, Thủ tướng nêu rõ, có nguồn từ tiết kiệm chi thường xuyên như giảm chi cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội. Bên cạnh đó, có nguồn từ tăng thu 2019 và sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác.

Thủ tướng lưu ý, phải nêu rõ số tiền từng nguồn, ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương phân bổ thế nào, các cấp đều phải có trách nhiệm chứ không chỉ Trung ương. Nhấn mạnh các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đời sống nhân dân, Thủ tướng cho biết, riêng ngành điện lực đã hỗ trợ gần 12.000 tỷ đồng về giá điện, ngành viễn thông cũng hỗ trợ gần 15.000 tỷ đồng…

“Ai cần cứ lấy”

"Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy 1 gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác. Mỗi người một gói, không sợ hết, chỉ lấy đủ dùng. Chia sẻ cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19" là thông điệp san sẻ yêu thương với người nghèo đô thị trong mùa dịch COVID-19 đang lan tỏa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.  

Chú thích ảnh
Chương trình "Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy 1 gói mỗi ngày..." hiện đang được nhiều cá nhân, tổ chức tình nguyện triển khai trên khắp các tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức.

Trong hai ngày 4 và 5/4 mặc dù trời có mưa rét, nhưng vẫn có nhiều nghèo đội mưa đến nhận những phần quà của chương trình "Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua COVDI-19" tại 8 điểm phát quà trên địa bàn Thủ đô.

Nhiều người dân khi đến nhận quà đều chia sẻ, những ngày qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng quán đóng cửa, trong khi các chợ truyền thống lại ít người mua, người bán hàng rong lâm vào cảnh ế ẩm. Nhiều người ở quê lên thành phố kiếm sống muốn về quê tránh dịch bệnh cũng không dám về.  

Vậy nên khi thấy các điểm phát hàng miễn phí, nhiều người lao động nghèo ở thành phố rất mừng. “Một miếng khi đói bằng 1 gói khi no”, suất quà của các nhà hảo tâm khiến những bác xe ôm, chị bán hàng rong, anh bán vé số cũng ấm lòng hơn trong lúc khó khăn.

Hưởng ứng, sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có Thư ngỏ về việc sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tiếp nhận số tiền 1 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và người dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Sau gần 4 tháng đi vào hoạt động (từ ngày 9/12/2019) đến nay, trên Cổng DVC quốc gia đã có hơn 104.000 tài khoản đăng ký; 27,7 triệu lượt truy cập; trên 4,3 triệu lượt hồ sơ đồng bộ trạng thái phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính và đặc biệt đã có trên 23.000 hồ sơ xử lý thành công trên Cổng DVC quốc gia. Từ 8 nhóm dịch vụ công tại thời điểm khai trương, đến nay, Cổng DVC quốc gia đã cung cấp 228 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19” và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hãy truy cập vào Cổng DVC quốc gia để đăng ký tài khoản và thực hiện theo hướng dẫn tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn.

Việc hưởng ứng của cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thời gian qua, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm do dịch COVID-19 gây ra.

V.Tôn/Báo Tin tức
Ấm áp yêu thương bữa cơm gia đình trong mùa dịch COVID-19
Ấm áp yêu thương bữa cơm gia đình trong mùa dịch COVID-19

Bữa cơm gia đình thường ngày chẳng mấy khi đủ người, nay cả nhà quây quần bên nhau đủ 3 bữa một ngày với những món ăn đong đầy yêu thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN