Nghĩ về nét đẹp phụ nữ Việt Nam xưa và nay

Đẹp trong quan niệm Nho giáo


Văn hóa gia đình Việt Nam nằm trong vòng ảnh hưởng của Nho giáo. Quan hệ vợ chồng trong quan niệm của người Việt cũng mang đậm những nét ảnh hưởng đó như một điều tất yếu. Mặc dù vậy, đạo vợ chồng trong gia đình truyền thống người Việt vẫn mang những nét riêng.


Hay lam hay làm - nét đẹp bình dị tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Người phụ nữ Việt Nam có phần tự tin/và tự nhiên hơn so với người phụ nữ trong những đại gia, cự thất, trong những dòng họ lớn danh gia vọng tộc khá phổ biến ở Trung Quốc - quốc gia láng giềng cũng có nền tảng Nho giáo. Ngoài việc bảo đảm thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ Việt Nam sẵn sàng chia sẻ gánh nặng công việc với chồng. Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa là cảnh rất thường gặp ở mọi làng quê Việt Nam. Thậm chí “Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Họ nội, họ ngoại cũng gần gũi chứ không xa cách: Có con mà gả chồng gần / Có bát canh cần nó cũng mang cho.


Không chỉ chia sẻ cùng chồng những việc nhà, người phụ nữ Việt Nam còn sẵn sàng cùng chồng gánh vác cả những việc làng, thậm chí tự mình đứng lên đảm đương việc nước. Lịch sử Việt Nam đã ghi lại nhiều tấm gương phụ nữ như thế: Trưng Trắc, Triệu Thị Trinh, Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, Bùi Thị Xuân và chồng là Trần Quang Diệu... Nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là vợ chồng Út Tịch. Đó là một nét đẹp trong đạo vợ chồng của người Việt Nam đã kéo dài từ xa xưa đến thời hiện đại.


Không chỉ nổi trội lên một vài cá nhân mà chiếm số đông hơn và ở phạm vi rộng hơn, những người vợ, những nàng dâu hiền thảo, những tấm gương tiết phụ, khá đông đảo nhưng vô danh, là đối tượng được xã hội ca ngợi, được dựng thành nhân vật trong những tác phẩm văn học và những chuyện kể dân gian. Hình tượng người phụ nữ bồng con chờ chồng, hóa đá rồi vẫn chờ, có thể gặp ở nhiều miền, từ bắc vào nam. Đề cao, tôn vinh những người phụ nữ đức hạnh đến mức nhìn hình thể tự nhiên của thiên nhiên mà gắn vào đó hình ảnh của người phụ nữ cùng những huyền thoại của họ ở mức nhiều như vậy cũng là điều ít gặp ở các dân tộc khác.


Mặc dù Nho giáo cho phép Trai năm thê bảy thiếp/Gái chính chuyên chỉ lấy một chồng nhưng bên cạnh việc ca ngợi những tấm gương chung thủy, tiết hạnh của người phụ nữ, người Việt còn ca ngợi những người chồng có nghĩa, yêu vợ, - người vợ mang nặng nghĩa tao khang từ thủa còn phải chịu nghèo khổ cay đắng - dù có được gợi ý (đôi khi là ép buộc) một cuộc hôn nhân với con gái một gia đình giàu có và nhiều quyền lực. Đề tài tiết - nghĩa thường gặp trong các truyện nôm (Tống Trân - Cúc Hoa; Phạm Công - Cúc Hoa; Hoa tiên v.v).


Đặc biệt coi trọng gia đình


Gia đình được coi là nền tảng của xã hội: Nước là gốc của thiên hạ, nhà là gốc của nước (Thiên hạ chi bản tại quốc / Quốc chi bản tại gia) Sự ổn định bền vững của gia đình được coi là cơ sở của sự ổn định bền vững của xã hội. Người phương Đông dồn tâm trí và sức lực để xây dựng, phát triển gia đình (đông con nhiều cháu, giàu có, danh tiếng ...), coi những thành quả đó là niềm tự hào và hạnh phúc của mình.


Trong ý niệm của những đôi vợ chồng Việt Nam xưa, sự hưởng thụ cá nhân không phải là hạnh phúc. Thời gian son rỗi của đôi vợ chồng trẻ cũng không có ý nghĩa gì. Trong quan niệm truyền thống của người Việt về quan hệ vợ chồng không hề có khái niệm Tuần trăng mật sau khi cưới. Người phụ nữ bao giờ cũng nhận phần hy sinh, chịu đựng để chu toàn hạnh phúc gia đình. Họ có truyền thống hy sinh hạnh phúc cá nhân - hy sinh sự hưởng thụ, hy sinh tuổi trẻ, thậm chí hy sinh cả bản thân cho hạnh phúc gia đình, cho chồng / và cả gia đình nhà chồng, cho con, cho cháu... Nhiều phụ nữ không những phải đẻ con, nuôi con mà còn phải nuôi cả chồng ăn học, hy vọng đến ngày chồng đỗ đạt, vinh hiển, mặc dù điều này cũng không có gì chắc chắn lắm. Nhiều khi họ phải thốt lên: ”Khuyên ai chớ lấy học trò/Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Nhưng họ vẫn cặm cụi hy sinh, chỉ mong người chồng đánh giá đúng được điều đó, mong rằng Gái có công chồng chẳng phụ...


Ở một đất nước sống dựa vào nền sản xuất nông nghiệp nhưng lắm thiên tai, lại phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, sự hy sinh của phụ nữ Việt Nam bị nhân lên bội phần. Tần tảo, cần cù, kiên cường, chịu đựng, thủy chung ... là những gì luôn được nhắc đến khi nói về những phẩm chất tốt đẹp của những người phụ nữ, những người vợ, người mẹ Việt Nam.


*
*      *


Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đưa lịch sử dân tộc sang trang mới từ mùa thu năm 1945. Quyền bình đẳng của phụ nữ (cùng với nhiều quyền khác) đã được khẳng định trên thực tế. Phụ nữ Việt Nam đã vươn lên khẳng định vị thế của mình, ngày càng tham gia tích cực và đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Họ cũng không quên lo chu toàn công việc gia đình, xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ: "Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang".


Cùng đất nước đổi mới và phát triển, phụ nữ Việt Nam càng khẳng định vị trí vai trò của mình trong đời sống xã hội. Bên cạnh người phụ nữ gia đình là người phụ nữ xã hội không thể tách rời. Tuy vậy, chưa thể nói phụ nữ Việt Nam đã đạt đến sự bình đẳng hoàn toàn. Nhiều “thói quen” của xã hội cũ (trọng nam khinh nữ, gia trưởng, bạo hành gia đình...) vẫn hằn sâu trong nếp nghĩ của nhiều “đấng trượng phu” hiện đại. Phụ nữ Việt Nam vẫn còn cần tiến hành tiếp cuộc cách mạng bình đẳng giới của mình và cho mình.



Ngô Vương Anh

Những phụ nữ không có ngày 8/3
Những phụ nữ không có ngày 8/3

Mỗi năm chỉ có một ngày 8/3, là dịp hàng triệu phụ nữ khắp nơi được nhận những bó hoa, món quà ý nghĩa và những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhưng có những người phụ nữ với nỗi lo cơm áo, với gánh nặng mưu sinh oằn trên đôi vai nhỏ bé chưa bao giờ được biết tới một ngày 8/3 trọn vẹn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN