Chủ tịch IPU Duarte Pacheco; Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, cùng Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của khoảng 130 nghị sĩ thuộc 60 nghị viện thành viên IPU. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị từ điểm cầu Nhà Quốc hội có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến và Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý.
Hội nghị tập trung thảo luận một số nội dung như: Vai trò của các nghị viện đóng góp vào việc đạt được SDGs trong đại dịch COVID-19; việc thực hiện cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau”; ưu tiên đầu tư cho bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Các đại biểu nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu và sự mất cân bằng nghiêm trọng trong xã hội như tỷ lệ đói nghèo, thiếu hụt chăm sóc y tế toàn dân, bất bình đẳng xã hội. Là cơ quan lập pháp, giám sát và đại diện cao nhất của nhân dân, các nghị viện cần đóng vai trò tích cực trong việc triển khai thực hiện SDGs trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tận dụng hiệu quả nguồn lực bên trong và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác trong vấn đề này.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani nhấn mạnh, các quốc gia trên thế giới đã cam kết thực hiện SDGs nhằm cung cấp lộ trình cho sự phát triển bền vững của thế giới. Các nghị viện đã tham gia tích cực bằng nhiều cách nhằm thực thi SDGs, trong đó có hợp tác thông qua cơ chế của IPU. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới tiến trình này, thậm chí đảo ngược kết quả đạt được trong thời gian qua. Trong bối cảnh đó Hội nghị Nghị viện toàn cầu lần thứ nhất về SDGs là diễn đàn để các nghị viện thảo luận về cách thức thúc đẩy thực thi SDGs thông qua hành động sáng tạo và đổi mới trong hợp tác.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia cũng cho rằng trong quá trình ứng phó với đại dịch, yêu cầu tiên quyết là nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân. Vì vậy, các nghị viện cần thúc đẩy chia sẻ vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy các chính sách và giải pháp để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Tham luận tại Hội nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Phạm Phú Bình nhấn mạnh, trước những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, các nghị viện cần bảo đảm việc ứng phó hiệu quả với đại dịch trong khu vực và ở cấp quốc gia nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện SDGs.
Ông Phạm Phú Bình cho biết, Báo cáo quốc gia đánh giá tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu SDGs dự báo, Việt Nam đang trên đà đạt được 5 trong tổng số 17 mục tiêu SDGs; 10 mục tiêu SDGs khác có thể đạt được với nhiều khó khăn, thách thức và 2 mục tiêu còn lại được xác định khó đạt được vào năm 2030. Trong 115 mục tiêu cụ thể, 54 mục tiêu dự kiến sẽ hoàn thành (tương đương gần 47%), nhưng có 48 mục tiêu sẽ gặp khó khăn để đạt được (khoảng 41,7%) và 13 mục tiêu rất khó đạt được vào năm 2030.
Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã phổ biến và áp dụng Bộ công cụ tự đánh giá của IPU dành cho các nghị viện trong việc thực hiện SDGs. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tổng hợp thông tin và xây dựng báo cáo của các cơ quan của Quốc hội trong việc thúc đẩy SDGs. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát nhằm đánh giá tiến độ, chất lượng thực hiện SDGs ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương…