Liên hoàn hiện trường
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam được phân công làm nhiệm vụ tại Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ), một trong 3 vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa. Công tác tìm kiếm sự sống được đoàn ưu tiên hàng đầu, song đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo như: tặng thuốc, trang thiết bị y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ; thăm hỏi người Việt Nam tại đây và tặng thực phẩm cho nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sống gần nơi đoàn làm nhiệm vụ…
Công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng có điều khác biệt lớn là các vụ cứu hộ trong nước chỉ xảy ra ở mức độ nhỏ, lẻ; còn ở Thổ Nhĩ Kỳ là tai nạn liên hoàn, với hàng loạt hiện trường. Các cán bộ, chiến sỹ vừa làm việc ở hiện trường này nhưng vẫn phải quán xuyến các hiện trường khác xung quanh bởi nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an - Trưởng đoàn công tác cho biết, anh cùng đồng đội đã làm được khối lượng công việc lớn trong điều kiện thời tiết khắc nhiệt, lạnh giá, với nền nhiệt luôn dao động từ -6 độ C đến -10 độ C, chênh lệch múi giờ và thiếu thốn các điều kiện sinh hoạt, sự phức tạp của hiện trường làm việc luôn rình rập nguy hiểm, sập đổ bất kỳ lúc nào. Với sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao nhất, cán bộ, chiến sỹ Công an Việt Nam luôn nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chạy đua với thời gian để đưa các nạn nhân ra ngoài sớm nhất.
Những ngày ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, thời tiết, địa lý, múi giờ… khiến cho thói quen sinh hoạt của tất cả cán bộ, chiến sỹ trong đoàn công tác có những thay đổi không nhỏ. Tất cả luôn động viên nhau làm việc bằng tinh thần cao nhất, cùng trái tim nhiệt huyết chạy đua với thời gian, tìm kiếm thật nhanh người vẫn còn mắc kẹt dưới những tòa nhà đổ nát với mong mỏi, hy vọng đưa người còn sống trở về.
Mỗi ngày, những bữa ăn của các cán bộ, chiến sỹ thường đơn giản nhất như mì tôm với thịt hộp. Các bạn Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ thêm bánh mì và nước lọc để bổ sung năng lượng cho anh em trong suốt quá trình làm việc.
Đại tá Nguyễn Minh Khương và đồng đội cũng rất tự hào vì đã chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy người Việt Nam có thể thực hiện được tốt công tác cứu nạn, cứu hộ với tinh thần kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ. Đoàn đã phối hợp với các lực lượng cứu nạn, cứu hộ quốc tế cứu được 1 người còn sống, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài bàn giao cho cơ quan y tế. Bên cạnh đó, trong quá trình công tác, Đoàn đã trao tặng gần 2 tấn thiết bị y tế do Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ Cơ quan ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) và cho Sở Y tế thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ; thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, trong đó có một số gia đình người Việt; đồng thời hỗ trợ phía bạn trong chế tạo các vật dụng để sử dụng sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn như chế tạo bếp lửa dã chiến để sưởi ấm…
Giây phút của sự sống
Nhớ lại thời khắc phát hiện sự sống dưới đống đổ nát sau 4 ngày bị vùi lấp, Trung tá Nguyễn Chí Thành (Phó Đội trưởng Đội cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đây là kỷ niệm anh và nhiều đồng đội không thể quên khi cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khi phát hiện sự sống dưới đống đổ nát, ngay lập tức, cán bộ, chiến sỹ tìm cách nói chuyện, phát tín hiệu với nạn nhân để xác định rõ vị trí, phối hợp thực hiện công tác cứu hộ.
"Bản thân tôi đã trao đổi trực tiếp với nạn nhân. Giây phút đấy thật thiêng liêng, không thể quên được trong cuộc đời làm công tác cứu nạn, cứu hộ của tôi. Tới khi lực lượng cứu nạn, cứu hộ đưa được nạn nhân ra ngoài, tôi và đồng đội vô cùng xúc động, không thể diễn tả bằng lời", Trung tá Thành xúc động kể lại giây phút phối hợp với lực lượng cứu nạn đưa chàng trai 17 tuổi mắc kẹt trong đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ ra ngoài an toàn.
Đại úy Đỗ Hoàng Thanh (giảng viên Khoa cứu nạn, cứu hộ, Đại học Phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an) cho biết, qua những ngày cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu phục vụ cho công tác giảng dạy sau này. Công tác cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ là tai nạn liên hoàn, với hàng loạt hiện trường. Các cán bộ, chiến sỹ vừa làm việc ở hiện trường này nhưng vẫn phải quán xuyến các hiện trường khác xung quanh bởi nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
"Ở môi trường tìm kiếm đông người, nhiều đoàn đến từ các quốc gia khác nhau thì khả năng về ngôn ngữ là yếu tố rất cần thiết để có thể thống nhất về phương án cứu nạn, cứu hộ nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng đội cũng như người gặp nạn. Bên cạnh đó, việc cứu nạn, cứu hộ ở nước ngoài rất khác với trong nước, nhất là về khí hậu, điều kiện bảo hộ." - đại úy Thanh cho biết.
Thiếu tá Lại Tuấn Anh, cán bộ Phòng Công tác cứu nạn, cứu hộ thuộc Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) chia sẻ, đa số các tòa nhà tại các hiện trường đều bị ảnh hưởng. Có tòa bị nứt tường, sập đổ một phần và nặng hơn là sập đổ hoàn toàn.
"Chúng tôi phải sử dụng các thiết bị tìm kiếm như camera dò tìm người bị nạn trong đống đổ nát và radar tìm kiếm để cố gắng tìm những nạn nhân còn sống sót. Sau đó sử dụng các biện pháp thủ công để dọn dẹp khối lượng đất đá, bê tông khổng lồ một cách cẩn thận, tránh làm ảnh hưởng đến các nạn nhân", Thiếu tá Lại Tuấn Anh nói. Dù công tác cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ rất khốc liệt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, song đoàn công tác quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
Bài 3: Sứ mệnh nhân đạo quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ