Với truyền thống tương thân, tương ái, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc và tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định cử lực lượng, phương tiện tham gia cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ăn, nghỉ, sinh hoạt hết sức khó khăn, Đoàn công tác của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục, phối hợp tốt với lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng của các nước khác, tham gia hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân bị vùi lấp và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, được cộng đồng quốc tế, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao.
Nỗ lực tìm kiếm sự sống
Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ Sân bay Nội Bài lúc 22h05 ngày 12/2/2023. Sau nhiều chặng đường di chuyển bằng các phương tiện khác nhau, đến 15h30 (19h30 ngày 13/2/2023 giờ Hà Nội), Đoàn đến tỉnh Hatay, rồi di chuyển đường bộ khoảng hơn 200 km đến nơi triển khai nhiệm vụ tại xã Haci Alpagot, huyện Antakya, tỉnh Hatay. Đây là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề của trận động đất và dư chấn.
Mặc dù điều kiện công tác khó khăn, nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ban đêm từ -6 đến -10 độ C, không có điện và nước ngọt, các dư chấn động đất vẫn mạnh; nhưng ngay sau khi đến Hatay, Đoàn đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều phối ứng phó khẩn cấp thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan điều phối của Liên hợp quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ để nắm thông tin, tình hình, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đoàn công tác được phân công nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại nhiều vị trí, khi phát hiện mục tiêu thì bàn giao cho lực lượng sở tại sử dụng những trang bị hạng nặng để đào bới, đưa nạn nhân ra ngoài. Từ ngày 13/2- 22/2/2023, Đoàn đã triển khai tổ chức tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện 15 điểm có nạn nhân trong đống đổ nát, bàn giao cho lực lượng cứu hộ địa phương sử dụng trang thiết bị hạng nặng đào bới, tìm được 28 nạn nhân thiệt mạng; phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Bahrain và Mexico tổ chức tìm kiếm, bàn giao 3 vị trí có nạn nhân cho lực lượng cứu hộ địa phương xử lý và đưa 10 nạn nhân thiệt mạng ra ngoài.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn đã tổ chức thăm hỏi, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm công tác với các đoàn quốc tế đến tham gia cứu trợ, hỗ trợ cùng khu vực như Ấn Độ, Pakistan, Italy, Trung Quốc... Đội Quân y cũng đã khám, sơ cứu và cấp thuốc cho 7 nhân viên cứu trợ của các nước bị tai nạn trong khi tác nghiệp.
Cùng với nỗ lực tìm kiếm sự sống trong các đống đổ nát, Đoàn cũng hỗ trợ 25 hộ dân và một số người dân địa phương thoát nạn trước khi nhà bị đổ sập do dư chấn, thu dọn tài sản và chuyển đến nơi ở mới; chia sẻ một số hàng hóa, trang bị của Đoàn như: Lều dã chiến, giường xếp, túi ngủ, chăn bông, ủng, giày, nước lọc, lương khô... cùng một số loại thực phẩm khác; thăm hỏi, chia sẻ, động viên các gia đình tại địa phương sớm vượt qua những mất mát, khó khăn do động đất gây ra. Ngoài ra, các thành viên trong Đoàn tự nguyện quyên góp được 4.000 USD để ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân địa phương mua lương thực, thực phẩm trong thời gian trước mắt.
Ngày 19/2/2023, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chấm dứt hoạt động tìm kiếm tại hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng để bắt đầu tái thiết đất nước. Ngày 20/2/2023, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tới Antakya (Hatay) để bày tỏ lòng biết ơn các lực lượng cứu trợ, hỗ trợ, các đoàn quốc tế, trong đó có Việt Nam, đã tham gia cứu hộ, cứu trợ nhân đạo tại nước này.
Tổng thống Erdogan trực tiếp gặp gỡ Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện sự cảm kích đối với lực lượng cứu hộ, cứu trợ của Việt Nam; cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời, cùng những nỗ lực không mệt mỏi của Đoàn Việt Nam giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định Chính phủ, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ quên tình bạn và sự giúp đỡ này.
Chiều 21/2, trước khi lên đường về nước, Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã trao tặng cho chính quyền địa phương 25 tấn hàng hóa cứu trợ gồm lương khô, gạo, sữa, nhu yếu phẩm và một số trang thiết bị y tế, thuốc cấp cứu, điều trị. Phía Bạn cho biết số hàng hóa, vật tư y tế mà Quân đội Việt Nam trao tặng sẽ nhanh chóng được chuyển tới các bệnh viện và trung tâm hỗ trợ y tế phục vụ thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và tới những người dân đang chịu thảm họa.
Những quyết định “cân não”
Với vai trò chỉ huy, là Trưởng Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ dịp này, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn chia sẻ, đã nhiều lần ông phải “cân não” để đưa ra những quyết định quan trọng trong quá trình làm nhiệm vụ, vì sự an toàn của các thành viên trong đoàn.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, vào ngày làm việc thứ 3, nhiệm vụ của Đoàn Quân đội Việt Nam là cứu hộ, cứu nạn tại một tòa nhà cao 7 tầng của khu đô thị đã bị đổ sập, trong đó có rất nhiều người còn đang bị mắc kẹt, vùi lấp. Lúc này lực lượng cứu hộ nước Bạn đang sử dụng phương tiện hạng nặng như máy xúc, máy ủi để bốc dỡ.
“Chúng tôi đến hiện trường thì có vài gia đình nói rằng con họ đang bị kẹt trong đó và họ đề nghị Đoàn ta tìm giúp, cả lực lượng của bạn cũng đưa ra đề nghị tương tự”. Nhìn xung quanh với những đống đổ nát, những ngôi nhà có thể tiếp tục sập xuống bất cứ lúc nào, địa thế chênh vênh nguy hiểm, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ suy nghĩ vài phút trước khi quyết định. Trong tình thế đó, nếu không chui vào hầm bê tông của khu nhà thì không thể quan sát, phát hiện được vị trí. Song nếu vì giữ an toàn mà không cho lực lượng của ta vào thì người dân và các lực lượng quốc tế sẽ đánh giá ra sao.
Do đó, với tư cách người chỉ huy của Đoàn công tác, ông đã quyết định bằng mọi cách phải khắc phục để vào được khu nhà sập, đồng thời vẫn phải bảo đảm an toàn cho các thành viên. Các lực lượng của ta đã hiệp đồng rất chặt chẽ, sau đó phát hiện được 4 vị trí, trong đó 2 vị trí có dấu hiệu về sự sống trong khu đổ nát để bàn giao cho cơ quan chức năng của bạn giải quyết. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn các nước đã phối hợp đưa nạn nhân ra ngoài.
“Hôm sau khi chúng tôi quay lại, các cụ già, người thân của các nạn nhân đều bày tỏ rất cảm động. Mặc dù người thân họ không còn nhưng đã được tìm thấy, họ khóc trong mất mát nhưng vẫn cảm ơn đoàn Việt Nam... Những tình cảm đó các thành viên trong đoàn không ai quên được”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ chia sẻ.
Theo Trung tá Lại Bá Thành, bác sĩ Khoa Gan mật tụy, Bệnh viện Quân y 103, Đội trưởng đội Quân y của Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội ta gặp rất nhiều khó khăn trong chuyến công tác lần này như điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, chệnh lệch múi giờ, bất đồng ngôn ngữ... Đội Quân y cũng là lực lượng phải đi vào hiện trường cách xa nơi đóng quân nên việc triển khai lực lượng, phương tiện cũng gặp nhiều hạn chế hơn, đặc biệt là trong trường hợp nếu tìm thấy nạn nhân với số lượng lớn.
“Chứng kiến hiện trường đổ nát vì thảm họa của thiên nhiên, chúng tôi rất đau xót trước sự mất mát quá lớn này. Mặc dù đã có kế hoạch triển khai chi tiết trước khi sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng khi làm nhiệm vụ tại hiện trường tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi đã có những thay đổi kịp thời để phù hợp với thực tế, như triển khai thành các đội nhỏ hay triển khai ngay 1 trạm quân y để cấp cứu, thu dung các bệnh nhân là lực lượng cứu hộ tại chỗ và người dân nước sở tại”, Trung tá Lại Bá Thành cho biết.
Trong lễ tiễn Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ tại Sân bay Nội Bài vào đêm 12/2, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã phát biểu động viên, chia sẻ: “Trong số các quân nhân tham gia nhiệm vụ lần này có một đồng chí chỉ hai tuần nữa xây dựng gia đình nhưng vẫn xung phong lên đường. Với tinh thần đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hy vọng các đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...”. Người quân nhân được nhắc tới đó chính là Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp Kiều Đức Toàn (Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh).
Trở về sau chuyến cứu hộ, cứu nạn ở nước Bạn, Trung úy Toàn cho biết, trước khi xung phong nhận nhiệm vụ, anh cùng các đồng đội không hề biết sẽ đi trong bao lâu. Do đó, anh đã bàn bạc với hai gia đình hai bên để tạm hoãn đám cưới.
“Ban đầu tôi và cả vợ cũng rất buồn, nhưng thủ trưởng đã tạo điều kiện cho xe đơn vị đưa cán bộ về giải thích rõ ràng đây là nhiệm vụ nhân đạo, sứ mệnh cao cả, do đó hai bên gia đình rất ủng hộ và chúc tôi đi may mắn, công việc chuẩn bị ở nhà đã có mọi người lo, cứ yên tâm công tác”, Trung úy Toàn nói.
Chị Nguyễn Thị Yến, vợ sắp cưới của Trung úy Kiều Đức Toàn cũng rất cảm thông và chia sẻ với công việc của chồng. Bên nhau đã lâu, chị hiểu và thông cảm với nhiệm vụ và những nỗi vất vả của người lính. “Trước khi lên đường, tôi đã quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ lần này để về làm món quà cưới cho vợ và hai bên gia đình”, Trung úy Kiều Đức Toàn chia sẻ.
Bài cuối: Những đại sứ nhân dân