Vùng đất anh hùng này từng được Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trao tặng danh hiệu và cờ thêu 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (năm 1967). Sau 45 năm giải phóng, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, Long An đang vươn mình lớn mạnh trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại, góp sức vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kiểm soát Quốc lộ 4 – giải phóng Tân An
Trong tháng 4 lịch sử, những người lính từng chiến đấu trên chiến trường Long An bồi hồi nhớ lại những khoảnh khắc chiến đấu anh dũng, góp phần làm nên đại thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước. Trong những trận đánh quyết liệt đó, chiến dịch chiếm giữ Quốc lộ 4 (tháng 4/1975) được coi là có nhiều ý nghĩa quan trọng, vừa cắt đứt đường chi viện của các sư đoàn chủ lực địch cho Sài Gòn, đánh sau lưng sào huyệt làm thất bại kế hoạch rút quân lực về cố thủ miền Tây của địch, vừa tiến vào giải phóng thị xã Tân An.
Với ý đồ giữ thông tuyến đường huyết mạch để quân từ miền Tây Nam bộ về ứng cứu Sài Gòn khi cần thiết, hoặc rút chạy về cố thủ ở miền Tây khi tình huống xảy ra, địch bố trí từ ngã ba Nhị Bình đến thị xã Tân An một lực lượng rất lớn, tổ chức thành nhiều tuyến phòng ngự, được hỏa lực pháo binh và không quân chi viện. Tại khu vực Thủ Thừa (Long An), ngoài 3 tiểu đoàn bảo an, địa phương quân, 22 trung đội dân vệ, nghĩa quân, địch còn tăng thêm sư đoàn 22 ngụy từ miền Trung chạy vào đóng trên khu vực cầu Voi, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9.
Thời điểm đó, Sư đoàn 5 bộ binh nằm trong đội hình Binh đoàn 232 của ta đang chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng tỉnh Kiến Tường được lệnh gấp rút hành quân về Thủ Thừa, Long An, để thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm và chia cắt Quốc lộ 4.
Ông Lê Văn Liên, nguyên Chính trị viên Đại đội trinh sát thuộc Tiểu đoàn 27, Sư đoàn 5 thời kỳ đó cho biết: Lúc ấy, với nhiệm vụ đánh chiếm Quốc lộ 4, chia cắt Sài Gòn với miền Tây Nam bộ, các đơn vị phải bí mật, bất ngờ chuyển toàn bộ binh lực, hỏa lực trên sông nước, chuẩn bị đánh vào nơi quân địch còn rất mạnh, phòng thủ kiên cố. Vì vậy, chiến trường lúc ấy rất ác liệt, có trận quân ta bị thiệt hại nặng. Đại đội trinh sát được giao nhiệm vụ bám, nắm và đánh chặn địch giữ vững hơn 2km bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp từ hướng Đông lên ngã ba Vàm Thủ (huyện Thủ Thừa ngày nay) để sư đoàn tiếp cận an toàn đánh vào thị xã Tân An, cắt đứt Quốc lộ 4. Chỉ với trên 30 tay súng trong hơn một tháng, đơn vị đã kiên cường bám trụ và tổ chức đánh thắng địch từng trận nhỏ, giành nhau với địch từng đoạn kênh để sư đoàn hoàn thành mục tiêu chiến dịch.
Ngày 7/4/1975, lực lượng của ta nổ súng tấn công ở vùng Bắc huyện Thủ Thừa. Trong vòng 14 ngày (từ ngày 9 - 20/4), lực lượng của Sư đoàn 5 cùng quân dân Thủ Thừa đã đẩy mạnh tấn công buộc địch phải co về cố thủ tại thị trấn Thủ Thừa và thị xã Tân An. Đêm 27 rạng ngày 28/4/1975, lực lượng ta đã tiến công tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 22 ngụy đóng ở cầu Voi (huyện Thủ Thừa), đưa lực lượng lên chốt chặn Quốc lộ 4. Sáng 30/4/1975, lực lượng vũ trang cùng quần chúng nhân dân đã nổi dậy làm chủ thị trấn Thủ Thừa; đồng thời quân chủ lực của ta hành quân qua cầu Tân An tiến vào giải phóng thị xã Tân An. Đúng 12 giờ ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng được đồng chí Kim Văn Bút - Chính trị viên đại đội 7 Tiểu đoàn 5, cắm lên dinh tỉnh trưởng báo hiệu thị xã Tân An hoàn toàn giải phóng. Cùng lúc đó, tại Kiến Tường, Hậu Nghĩa, bộ đội chủ lực của ta cùng bộ đội địa phương cũng hoàn toàn làm chủ thế trận, buộc ngụy quân phải buông vũ khí đầu hàng.
Phát huy tinh thần trung dũng, kiên cường
Sau ngày giải phóng đất nước, Long An hợp nhất với tỉnh Kiến Tường và hai quận Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Hậu Nghĩa để trở thành tỉnh Long An có địa giới hành chính như ngày nay. Từ đó, chính quyền, quân và dân Long An cùng chung tay nỗ lực khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh và vươn lên xây dựng quê hương, đất nước.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh, sau ngày thống nhất đất nước, Long An cùng cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Giai đoạn 1975-1985, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Từ tháng 10/1980, Long An đột phá thực hiện cơ chế “một giá”, góp phần cùng cả nước xóa cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; tiến quân khai mở Đồng Tháp Mười, biến vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và cả khu vực.
Trải qua 34 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (từ năm 1986 đến nay), Đảng bộ, dân và quân Long An không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,41%; GRDP bình quân đầu người gần 73 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 2,21%. Đặc biệt, Long An là địa phương nhiều năm liên tiếp dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về thu ngân sách Nhà nước, năm 2019 đạt gần 18.000 tỷ đồng.
Về Long An hôm nay, có thể nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất giàu truyền thống anh hùng. Từ vùng Đồng Tháp Mười vốn hoang hóa ngày trước, nay đã thay da đổi thịt, trở thành vùng đồng bằng trù phú với những đồng lúa mênh mông, đê bao khép kín và là vùng sản xuất lương thực lớn của cả khu vực.
Tại các huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc… các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mọc lên nhộn nhịp. Hàng loạt dự án triển khai đi vào hoạt động, đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động, góp phần đưa kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Hiện trên địa bàn có 31 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích gần 11.400 ha, 62 cụm công nghiệp được quy hoạch với diện tích hơn 3.100 ha; trong đó có 16 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích chưa đầy 3.900 ha. Đến nay, Long An thu hút hơn 1.900 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký gần 217.000 tỷ đồng; hơn 1.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 6,2 tỷ USD. Hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai đồng bộ với các tuyến giao thông huyết mạch như cao tốc Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, đường 830… giúp kết nối từ các khu, cụm công nghiệp, đô thị đến hệ thống cảng biển; kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực.
Chứng kiến chặng đường dài chiến đấu, xây dựng và phát triển của quê hương, ông Trương Quốc Kỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An cho biết: "Sau khi giải phóng, chúng tôi về công tác tại Long An với hoàn cảnh vô vùng khó khăn. Chiến tranh đi qua, để lại những hoang tàn, đổ nát. Sau mấy chục năm, sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã đưa Long An đổi thay, trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh nhất cả nước, đời sống người dân ngày càng thay đổi. Những kết quả đó thật đáng tự hào. Những thế hệ nối tiếp cần kế thừa tinh thần trung dũng, kiên cường của quê hương, nỗ lực hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển của cả nước."
Theo ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An, nhằm đưa kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển lên một tầm cao mới, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch lớn. Cụ thể là: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; tập trung hoàn thành 3 công trình trọng điểm là đường tỉnh 830, đường vành đai thành phố Tân An, trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhiệm kỳ 2015-2020. Bên cạnh đó, các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được duy trì, phát triển ổn định; quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường vững mạnh...