Nhân 46 năm thống nhất đất nước: 'Vũ khí ta mang đâu có là tên lửa'

“Yêu đất nước, trải đường vô trong nớ. Đây tuyến hậu cần ta bủa lưới khắp nơi nơi. Vũ khí ta mang đâu có là tên lửa. Chỉ bếp than hồng này ủ chín hơi cơm”.

Bài hát Nổi lửa lên em (thơ: Giang Lam, nhạc: Huy Du) đã đúc kết rất ngắn gọn như thế về những đóng góp to lớn và thầm lặng của ngành hậu cần vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nói chung và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 nói riêng.

Bài học về hậu cần trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Theo Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quán đội nhân dân Việt Nam, để bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cơ quan hậu cần chiến lược và các tuyến hậu cần chiến dịch cũng đã thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”  theo cách riêng.

Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị đã kiểm điểm tình hình trong nước từ khi Hiệp định Geneva được ký kết và đề ra nhiệm vụ đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Ðối với cách mạng Việt Nam ở miền Nam, Hội nghị xác định: Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Chú thích ảnh
Bộ đội Trường Sơn vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực thực phẩm từ miền Bắc chi viện giải phóng miền Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngay sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương, cơ quan hậu cần chiến lược của Tổng cục Hậu cần đã quyết tâm xây dựng tuyến giao thông vận tải Trường Sơn. Đến năm 19, tuyến vận tải đã vươn tới chiến trường Nam Bộ và các chiến trường khác. Tuyến đường ống xăng dầu và các tuyến vận chuyển đường sông được hình thành. Các sư đoàn, trung đoàn vận tải ô tô được thành lập để tăng cường chi viện cho các chiến trường. Các kho dự trữ chiến lược trên các hướng vào chiến trường được hình thành và tổ chức chặt chẽ. Chỉ trong hơn hai năm, bộ phận vận tải chiến lược đã đưa vào các chiến trường hơn 300.000 tấn hàng hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng kịp thời yêu cầu cho hoạt động của các lực lượng.

Ở chiến trường miền Nam, lực lượng hậu cần cũng từng bước phát triển mạnh mẽ trên cơ sở xây dựng căn cứ địa cách mạng gắn với căn cứ hậu cần tại chỗ. Trong hai năm (1973-1974), đường vận tải cơ giới được mở rộng và nối liền các căn cứ hậu cần, tạo thế vững chắc ở từng khu vực trên các hướng Đông Bắc, Đông-Đông Nam, Tây Bắc Sài Gòn, sẵn sàng cơ động triển khai sang hướng Tây Nam. Cùng với đó, hậu cần Miền chi viện và chỉ đạo hậu cần các Quân khu 7, 8 triển khai các cơ sở hậu cần trên hướng Đông Nam và Nam Sài Gòn. Các phân đội hậu cần như tiểu đoàn vận tải ô tô, đội điều trị quân y, trạm sửa chữa kỹ thuật… do cơ quan hậu cần chiến lược tăng cường được đưa về các căn cứ hậu cần khu vực. Vật chất hậu cần, kỹ thuật do hậu phương lớn chi viện đạt 10.000 tấn, kết hợp khai thác tại chỗ tạo lượng dự trữ tại chiến trường là hơn 40.000 tấn.

Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn 770 được mở rộng về quy mô, lực lượng, tổ chức tiếp nhận vật chất hậu cần-kỹ thuật từ hậu phương. Trên các hướng tiến công, điều chỉnh lực lượng hậu cần chiến trường, bố trí các căn cứ hậu cần Miền và hậu cần các quân khu trên địa bàn chiến dịch, hình thành thế trận hậu cần khu vực quanh Sài Gòn, đáp ứng nhu cầu của bộ đội trên các hướng tác chiến.  

Các đoàn hậu cần tổ chức các “cánh” để tiếp cận đội hình các đơn vị cơ động chiến đấu. Đoàn hậu cần 240 được tổ chức ở phía Tây, cùng Đoàn hậu cần 230 trực tiếp bảo đảm cho các lực lượng tác chiến ở hướng Tây và Tây Nam. Bộ phận hậu cần Quân khu 8 mở rộng các căn cứ hậu cần ở Đông và Tây Quốc lộ 4, bảo đảm cho các lực lượng tác chiến ở hướng Tây Nam và Nam Sài Gòn. Hậu cần Quân khu 7 mở rộng căn cứ hậu cần ở Đông Đường 15 - Bắc Bà Rịa, bảo đảm cho các lực lượng tác chiến ở hướng Đông và Đông Nam Sài Gòn. Việc tổ chức, điều chỉnh trên đã hình thành thế trận hậu cần chiến dịch vững chắc, cùng với hậu cần tại chỗ tạo nên hậu cần khu vực trên các hướng quanh Sài Gòn.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lĩnh vực hậu cần đã được triển khai đồng bộ, có chiều sâu, từ chiến trường, chiến dịch, quân đoàn tới cấp chiến thuật, nối liền được với hậu cần chiến lược và hậu phương đất nước. Đó là điều kiện cơ bản để hậu cần chiến dịch hoàn thành nhiệm vụ.

Lĩnh vực hậu cần trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975 đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa tại chỗ và cơ động, dự trữ và vận chuyển, lấy tại chỗ là cơ bản, trên cơ sở đó tổ chức tốt hậu cần cơ động, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ tác chiến khẩn trương, thọc sâu và đột phá nhanh vào dinh lũy cuối cùng của địch. Trong chiến dịch, chúng ta đã vận dụng linh hoạt giữa bảo đảm hậu cần theo phân cấp và vượt cấp. Hậu cần chiến lược trực tiếp bảo đảm cho các quân đoàn trong hành quân cơ động vào chiến trường. Hậu cần chiến trường Miền, hậu cần chiến dịch trực tiếp chỉ đạo, cùng hậu cần Quân khu 7, tăng cường lực lượng và chi viện vật chất cho các “mũi”, “bộ phận” hậu cần của Thành đội Sài Gòn và lực lượng đặc công.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành được thắng lợi hoàn toàn, ngành hậu cần đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho một chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những sáng tạo độc đáo về nghệ thuật tác chiến và nghệ thuật bảo đảm, trong đó hậu cần đã phát huy và vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm bảo đảm hậu cần của các chiến dịch trước đây, nâng cao lên một bước và phù hợp với yêu cầu phát triển của nghệ thuật tác chiến chiến dịch.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong những năm gần đây, ngành hậu cần quân đội có bước phát triển toàn diện; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, phát huy truyền thống “nuôi quân đánh giặc” trong điều kiện mới, tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện trên các mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

"Vũ khí bếp lửa” ở đơn vị pháo – tên lửa hải quân

 

Chú thích ảnh
Lữ đoàn 167 tích cực trồng rau tăng gia. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Vùng 2 Hải quân quản lý, bảo vệ vùng biển rộng lớn từ huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) đến cửa sông Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) với trọng tâm là Cụm Kinh tế - khoa học kỹ thuật – dịch vụ thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gọi tắt là DK1. 

Lữ đoàn 167 là một trong những đơn vị tàu pháo – tên lửa chủ lực của Vùng 2 Hải quân, cắm chốt ở xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Hơn 20 năm đứng trong quân ngũ và nhiều năm phục vụ ở “lữ đoàn thép” với các con tàu mang các khẩu pháo, tên lửa tối tân, song thứ vũ khí mà Thiếu tá Lê Đình Hoàn (quê ở Nghệ An) sử dụng hằng ngày là “bếp lửa hồng” với những rau, gạo, thịt…

Xác định ngay từ đầu “nuôi quân cũng là đánh giặc” và bận rộn, tận tâm với công việc “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, Thiếu tá Thiếu tá Lê Đình Hoàn, nhân viên quân nhu, cán bộ quản lý bếp ăn của bộ đội tàu thuộc Lữ đoàn 167, không có thời gian để so kè về sự “oai phong” với các sỹ quan trên các tàu chiến. Anh thấy đủ đầy niềm vui khi mỗi ngày chứng kiến cảnh các chiến sỹ hải quân được ăn no, ngon miệng, căng tràn sinh lực và luôn ở tâm thế sẵn sàng chiến đấu.

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ tàu chiến của Lữ đoàn 167 xếp hàng chỉnh tề vào bếp ăn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ngay từ những ngày đầu vào quân ngũ, anh lính trẻ Lê Đình Hoàn đã được học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “công việc phục vụ” bộ đội. Bác phê phán quan niệm lệch lạc của một số cán bộ làm nhiệm vụ hậu cần thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho rằng nấu bếp, cung cấp nhu yếu phẩm là những công việc tầm thường, không được nêu danh nổi tiếng như ra trận đánh giặc, “không huân chương đỏ ngực”.

Bác chỉ rõ: Nếu mọi người đều ra mặt trận thì bộ đội lấy gì mà ăn, lấy gì mà đánh? Đây không chỉ là vấn đề tâm lý mà là quan điểm cách mạng. Không được lãng phí một đồng tiền, một bát gạo, một ngày công của nhân dân đóng góp cho bộ đội. Vì vậy, cán bộ hậu cần cần phải là kiểu mẫu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho các cán bộ khác học tập. Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ hậu cần phải có quan điểm tinh thần, thái độ phục vụ tốt, phải có tình thương yêu chiến sĩ như anh em ruột của mình…

Đột xuất đến thăm Lữ đoàn 167 vào một ngày bình thường trong tuần, các phóng viên TTXVN ngỡ ngàng về sự chỉn chu, sạch sẽ “từ hình thức đến nội dung” ở bếp ăn bộ đội tàu chiến.

Cơ sở vật chất khang trang được bao quanh bởi vườn rau, ao cá, chuồng trại đẹp mắt, trong nhà ăn các dãy bàn, ghế, tủ, khay, bát sáng choang, bóng lộn, thực đơn bữa trưa phong phú, các chiến sĩ hải quân trẻ đen giòn, rắn rỏi, xếp hàng chỉnh tề khi vào bếp ăn… là ấn tượng khó phai đối với những người ít có dịp chứng kiến cuộc sống trong quân ngũ.

Bữa sáng phục vụ bộ đội bắt đầu vào lúc 6 giờ, có nghĩa là tổ anh nuôi phải nhặt rau, vo gạo, thái thịt… vào lúc 4 giờ. Bữa tối bắt đầu lúc 18h thì tổ phục vụ chỉ được nghỉ vào lúc 20h. Vòng tuần hoàn cứ thế suốt ngày này sang tháng khác.

Nhiệm vụ của người quản lý bếp ăn là làm sao với nguồn kinh phí cố định và chưa phải là dồi dào mà các chiến sỹ hải quân được thưởng thức những món ăn ngon, bổ dưỡng, hợp với khẩu vị của hàng trăm con người thuộc ba miền Bắc – Trung – Nam và thường xuyên phải thay đổi, không được để thừa cơm, thức ăn, lãng phí…

Chú thích ảnh
Thiếu tá Lê Đình Hoàn (thứ hai từ trái sang). Ảnh: Văn Hùng

Căn cứ vào định lượng ăn theo quy định của Bộ Quốc phòng, Thiếu tá Lê Đình Hoàn phải “đau đầu” để bộ đội có ba bữa ăn đủ chuẩn cả về nội dung lẫn hình thức, ngay cả khi giá thực phẩm có sự đột biến. Anh cũng chỉ đạo tổ tiếp phẩm phải lựa chọn những sản vật phong phú ở địa phương, có nguồn gốc rõ ràng và an toàn. Trong khâu chế biến, vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Anh còn chủ động tìm hiểu khẩu vị của các chiến sĩ ở những vùng miền khác nhau, lắng nghe ý kiến đóng góp của bộ đội để điều chỉnh thực đơn, cách chế biến sau cho thật hài hòa.

Thiếu tá Lê Đình Hoàn tâm sự: “Mỗi món ăn không chỉ đơn thuần là cơm, là thịt, là rau mà đó còn là tình cảm của tổ bếp gửi tới bộ đội. Trong bao năm làm quản lý bếp ăn tôi tự hào là hầu như chưa lần nào phải buồn lòng chứng kiến cảnh các chiến sỹ trẻ “chê cơm”, còn tình trạng mất an toàn, vệ sinh thực phẩm thì càng không bao giờ có”.

Trong bếp ăn của bộ đội tàu Lữ đoàn 167 nhiều câu khẩu hiệu được treo ngay ngắn, nổi bật với phông màu đỏ trên nền tường trắng tinh: “Làm đâu sạch đấy – Đứng dậy sạch ngay”, “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Cơm dẻo canh ngọt”, “Trật tự, vệ sinh, văn minh”…

Những câu khẩu hiệu đó không chỉ đơn thuần mang tính hình thức. Bởi trong đó có cái tâm đối với bộ đội của người quản lý và tổ anh nuôi.

Trần Quang Vinh (TTXVN)
Có một bệnh viện mang tên Thống Nhất
Có một bệnh viện mang tên Thống Nhất

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1975 đã có một bệnh viện mang tên Thống Nhất với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cán bộ, nhân dân vùng đất mới được giải phóng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN